Bản không dấu Gia tài trong nồi súp
(Hoathuytinh.com) Có bao giờ bạn để ý thấy rằng khi cuộc sống của bạn ngày càng bận rộn hơn thì nó lại càng trở nên trống rỗng hơn không? Mỗi buổi sáng thứ hai nhìn vào lịch làm việc của mình, nào là các cuộc họp kín mít, các thời hạn cuối cùng phải hoàn thành, những dự án trong tuần, vân vân và vân vân, tôi nhớ là mình đã suy nghĩ không biết bao nhiêu lần: "Liệu tất cả những thứ này có ‎ý nghĩa gì?".

Dạo gần đây, mỗi khi tự chất vấn mình như vậy, tôi lại nghĩ đến bà nội. Nội của tôi học vấn không cao, nhưng bà rất giỏi việc bếp núc, hơn nữa, lại có óc hài hước tuyệt vời. Những ai đã từng gặp chắc chắn đều nghĩ lẽ ra bà phải được sinh ra vào 01 tháng 04 – tức ngày Cá Tháng Tư – ngày của những trò đùa quỷ quái và những tiếng cười rộn rã – và rằng chắc bà dành cả đời để chọc cười tất cả mọi người.

Đối với trẻ con, bà chính là hiện thân của thế giới tuổi thơ. Mỗi một hoạt động đối với bà đều trở thành một sự kiện, một dịp đặc biệt nào đó để tổ chức hội họp, hay một lý do gì đó để vui cười. Nhìn lại, tôi chợt nhận ra mọi chuyện thời bấy giờ thật khác và hoàn cảnh xã hội cũng rất khác biệt. Gia đình, niềm vui, thức ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Những bữa ăn hằng ngày chính là niềm vui của bà – là dịp để bà có thể trổ tài nấu nướng, nêm nếm và thưởng thức những món ăn của mình. Với những bữa điểm tâm nóng, bà buộc mọi người phải cùng nhau quây quần. Bà bắt đầu chuẩn bị bữa cơm trưa từ mười giờ sáng mỗi ngày, với những món súp do chính tay bà nấu vẫn đang sôi sùng sục, rồi sau đó bà lên kế hoạch chuẩn bị cho bữa ăn tối từ lúc ba giờ rưỡi chiều. Cả cuộc đời bà tôi là tìm cách làm thỏa mãn nhu cầu cơ bản nhất của gia đình.

Dừng lại một chút để lấy những món ăn chế biến sẵn mà tôi đã mua cho bữa cơm tối nay ra, tâm trí tôi lại lan man quay về căn bếp của bà ngày xưa – chiếc bàn ăn cũ bằng gỗ sồi, những chiếc kệ bếp đơn giản,… những nồi súp ăn không bao giờ hết, những món thịt hầm và nước xốt thịt lúc nào cũng đang sôi ở trên bếp,… những khăn trải bàn vấy bẩn nhưng đầy tình yêu thương sau mỗi bữa cơm. Thật kỳ lạ, nghĩ mà giật mình. Tôi nay đã ngoài 40 vậy mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa tự nấu cho mình một nồi súp hay một nồi thịt hầm nào cả.

Trong chốc lát, những chiếc hộp giấy đựng thức ăn trên bàn bỗng gợi lên một hình ảnh quen quen. Tôi có cảm giác như mình còn đang cất giữ trong nhà một di sản quý giá.

Ngày hôm sau, tôi lục lọi khắp gác mái để tìm chiếc hộp các-tông mà tôi đã cất đi từ lâu. Cách đây hai mươi lăm năm, bà nội đã cho tôi chiếc hộp đó khi bà rời xa trang trại cổ xưa này. Tôi ngờ ngợ nhớ lại lúc mình được phân chia "tài sản" khi chỉ mới ở độ tuổi thiếu niên. Mỗi đứa cháu gái đều nhận được một chiếc ví đầm nhỏ. Chiếc ví của tôi được trang trí bằng ngọc sáng lấp lánh, từ thời những năm 1920. Tôi còn nhớ tôi đã đeo nó tại buổi lễ tốt nghiệp. Tuy nhiên, ở cái tuổi mới lớn bướng bỉnh đó, tôi chẳng thèm đụng đến bất cứ thứ gì khác ngoài chiếc ví tuyệt đẹp. Tất cả vẫn ở nguyên trong chiếc hộp dán kín, nằm lấp ở một nơi nào đó trên gác mái.

Chẳng khó khăn mấy để tìm ra chiếc hộp, thậm chí việc mở nó ra còn dễ dàng hơn. Sợi dây buộc quá cũ nên đã mục nát. Tháo bung hộp giấy ra, tôi thấy bà quấn một vài món đồ trong chiếc khăn ăn bằng vải lanh cũ để ở phía bên trên – một chiếc bình đựng bơ và mấy cái hũ, còn ở phía bên dưới là một trong những cái nồi nấu súp cũ của bà. Bà đã dùng dây buộc cho nắp nồi dính vào nồi, tôi đã tháo sợi dây ra và bỏ cái nắp sang một bên.

Trong nồi có một bức thư, do chính tay bà đã viết:

Barbara yêu dấu của bà,

Bà biết rồi một ngày nào đó cháu cũng sẽ tìm thấy chiếc hộp này. Khi đọc được bức thư này, cháu hãy luôn nhớ rằng bà yêu cháu biết bao nhiêu, vì đến lúc đó bà đã không còn ở bên cạnh cháu nữa và sẽ không thể nói ra điều này. Cháu thì lúc nào cũng quá bướng bỉnh, quá nhanh nhẹn và cũng lớn quá nhanh nữa. Bà thường ao ước rằng cháu của bà vẫn mãi là cô cháu gái bé bỏng của bà. Khi cháu thôi không còn sống vội vã, bà muốn cháu hãy lấy chiếc nồi nấu súp cũ kỹ của bà nội ra và làm ấm nhà bếp của mình lên. Bà gửi kèm theo đây cho cháu công thức nấu món súp mà cháu vẫn yêu thích, món súp mà bà đã từng nấu cho cháu ăn khi cháu còn nhỏ. Cháu hãy luôn ghi nhớ một điều rằng bà yêu cháu mãi mãi.

Bà nội của cháu.

Tôi ngồi đó, đọc đi đọc lại những dòng chữ của bà suốt cả buổi sáng, cảm thấy có lỗi vì đã không hiểu rõ bà khi bà vẫn còn ở bên cạnh. Bà mới chính là gia tài quý báu của cháu, tôi tự nhủ, sao mình lại không hề nhìn vào bên trong chiếc nồi này lúc bà vẫn còn sống chứ!

Thế là buổi hôm đó, chiếc cặp của tôi vẫn khóa kín, máy trả lời tự động liên tục nhấp nháy và những thảm họa ngoài kia vẫn còn đó, chưa có hướng giải quyết. Tôi còn bận nấu một nồi súp cho riêng mình.
Hoathuytinh.com (Vui lòng ghi rõ nguồn nếu bạn sử dụng truyện này)
Sưu tầm bởi caro_carot ngày 12.03.2009. Có 32118 lượt xem. Đánh giá:
Gởi truyện này Yêu thích Chép về máy Đánh giá: 0 điểm (0 votes)
Cảm nhận
Chưa có cảm nhận.
Viết cảm nhận
Bạn phải đăng ký và login để gởi cảm nhận. Bấm vào đây để đăng ký
Sự kiện
Bình chọn
Bạn biết đến Hoa Thủy Tinh từ đâu?





User Online
466 người đang xem Hoa Thủy Tinh, trong đó có 0 thành viên và 466 khách