Tôi yêu YOGA ..........
TTC - Mèn đéc ơi, chỉ sau mấy ngày nghỉ lễ tui lên tới 5 ký! Theo “bản năng” của phụ nữ, đầu tiên tui nghĩ ngay đến thuốc giảm cân, nhưng sau khi so đo tính toán cân nhắc, phương án này bị... loại vì lý do sức khỏe và kinh tế của tui không cho phép. Tui liền nghĩ ngay đến việc đi bộ mỗi sáng. Thế là tui tức tốc “phôn” qua bà bạn thân, rủ rê.
Ai dè, bà bạn thân cười hô hố bảo tui đúng là... quê mùa cổ lỗ sĩ. Thời buổi bây giờ, nói giảm cân, tức là phải nói đến Yoga, như vậy mới... “sành điệu xài hàng hiệu”.
Vậy là tui có mặt ở đây, lớp Yoga “ruột” của bà bạn. Đầu tiên là 10 phút nhảy theo nhạc để làm nóng cơ thể. Sau đó là các động tác kèm theo nín thở - phình cứng bụng, rồi thở mạnh.
Sau 1 tháng tập, tui chưa giảm đi “gờram” nào nhưng bù lại sự “hiểu biết” của tui phong phú lên quá cỡ. Đó là do mọi thông tin trên trời dưới đất đều tập trung ở lớp Yoga này. Chỉ cần một thông tin nóng hổi được “xì” ra là có hàng chục lời bình luận của các bà, các cô, các chị, các em “bập vô” rất xôm tụ.
Và khi lớp “kết nạp” thêm 3 ông (vợ khuyến khích đi tập vì bị đau lưng, nhức mỏi) thì hầu như không một học viên nào... vắng mặt. Thậm chí mọi người còn đến sớm hơn giờ tập cả 30 phút (!). Đông vui và nhí nhố không bút mực nào tả xiết. Không hiểu các lớp Yoga khác như thế nào, nhưng lớp Yoga tui đang theo tập về mặt tinh thần thì ai ai cũng hài lòng cả. Bây giờ, cứ chiều chiều là tui xách giỏ đi tập Yoga, rất chăm chỉ vì... tôi yêu Yoga!
...........................................
Thường thấy trong phim Việt
TTC - Nói dài, nói dai, nói lòng vòng... nhưng rốt cuộc cũng chỉ có một vấn đề.
- Diễn viên diễn xuất như đang trả bài học thuộc lòng, đi đứng thì như robot.
- Gương mặt của nhân vật nữ mới ngủ dậy thường trang điểm lòe loẹt làm khán giả cứ tưởng cô ta mới đi dự tiệc về.
- Cảnh đánh võ thường giống như trò chơi ú tim, cút bắt của trẻ con. Tuy nhiên, la hét thì thật khí thế.
- Lời thoại không súc tích, không chuẩn mực.
- Hay chen những nhân vật đồng tính vào phim để câu khách, chọc cười khán giả một cách lố bịch.
- Nhân vật nữ rất yếu đuối, nhẹ dạ cả tin, chịu đựng quá mức đến nỗi không thực tế.
- Cảnh làm việc tại văn phòng thường giống như một... cái chợ. Các nhân viên không lo làm việc mà cứ tụm năm, tụm bảy để “tám”.
- Cảnh trong vũ trường, quán bar thường chỉ lèo tèo vài người. Đặc biệt những người được gọi là dân ăn chơi thứ thiệt lại trông như người nhà quê, từ cách uống bia, uống rượu cho đến nhảy nhót.
........................................................
TTC - “Em hãy kể lại câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bằng lời văn của em”. (Đề kiểm tra văn lớp 6).
Bài làm ... Nghe tin có hai chàng trai đến cầu hôn, một chàng là Sơn Tinh ở miền núi cao, một chàng là Thủy Tinh ở vùng biển thẳm, cả hai cùng vừa ý nên vua Hùng ra điều kiện chọn rể là: “Sáng mai ai đem tới trước cho ta sính lễ là: 1 con gà và 2 lít rượu thì ta sẽ gả con gái cho”. Sáng hôm sau, Sơn Tinh đem sính lễ tới trước, được rước Mị Nương về. Sơn Tinh lấy xe thồ chở Mị Nương về núi. Thủy Tinh đến sau không lấy được vợ, đùng đùng tức giận lấy xì-bo đuổi theo.
Nhưng Sơn Tinh đã đưa Mị Nương lên núi cao, Thủy Tinh liền dùng cung tên bắn Sơn Tinh, Sơn Tinh dùng đá đập mũi tên quay lại trúng Thủy Tinh. Thủy Tinh đau quá bèn quay xe trở về, và hằng năm Thủy Tinh vẫn còn tức Sơn Tinh nên không thèm nói chuyện.
.......................................
TTC - Tui trước đây vốn là công nhân may mặc có tay nghề đàng hoàng, nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, công ty bị phá sản, đi xin việc nhiều nơi không được, nên cuối cùng đành ngậm ngùi bước vào nghề... khóc mướn!
Thiệt ra công việc của tui cũng không thường xuyên và không mất nhiều công sức lắm, chỉ cần biết chút ít... diễn xuất là được! Mỗi tháng, tui cũng chỉ cần tới... 10 cái đám ma là tiền kiếm được bằng cả tháng lương công nhân may. Thấy việc dễ mà nhiều tiền, nên tui cũng kéo con vợ với thằng con đi làm chung luôn.
Nghe chữ “khóc mướn”, chắc mọi người cũng đoán được phần nào công việc của tui. Có thể hình dung như vầy: Mỗi khi nhà nào trong xóm hay các khu vực gần kề có tang gia mà người qua đời không có nhiều người thân hoặc con cháu trong nhà từ xa về không kịp thì sẽ cần tới sự hiện diện của những người như tui để đám ma đỡ... thưa thớt, trống vắng. Tui không chỉ đến để khóc, mà phải nhập vai người nhà gia chủ, bận áo gai ngồi bái lạy khách tới viếng, ngồi nghe các nhà sư tụng kinh thay cho gia chủ, và chỉ thật sự khóc gào hết cỡ trong ngày đưa linh cữu về đất...
Mỗi “sô” như vậy tụi tui được bồi dưỡng từ 50 đến 1 - 200 ngàn. Có lúc “trúng mánh”, gặp những gia đình giàu có mà người thân đều định cư tại nước ngoài không về kịp, tụi tui được huy động nhiều với mức bồi dưỡng cũng tăng thêm gấp 2, 3 lần. Làm cái nghề không giống ai của tui thường xuyên gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười mà tui không nói ra chắc không ai tưởng tượng nổi. Chẳng hạn, có lần tui đang ngồi lạy trả một người bà con của tang gia tới viếng, do nhà hơi âm u vì khói và đèn cầy, lại thấy tui bộ dạng đau khổ quá nên người bà con sau khi lễ xong đã nhào tới ôm chầm lấy tui khóc lóc thảm thiết, trong khi gia đình gia chủ đang quây quần ăn trưa gần đó.
Khi ngộ ra thì khỏi nói, cả chủ lẫn khách đều sượng trân. Một lần khác, người nằm trong hòm là sếp lớn của một công ty. Khi đoàn nhân viên công ty ấy tới thăm, tay phó giám đốc “ba chớp ba nháng” chưa kịp thăm hỏi gia chủ đã lao tới trước quan tài đập đầu, khóc lấy khóc để nghe hết sức đau thương. Đến khi biết được cái đám người mặc áo sô ngồi thành kính trước quan tài toàn là “ngoại bang”, còn cả nhà sếp đang ngủ trên lầu để lấy sức chiều mới xuống tiếp khách, thì tay phó... tỉnh bơ đứng dậy, mắt ráo hoảnh và ngồi cười nói vui vẻ như chưa từng có gì.
Tới chiều, vợ sếp xuống thì... “bổn cũ soạn lại” (!). Đó là chưa kể nhiều tang gia mà chỉ có những người khóc mướn tụi tui ngồi đóng vai tiếc thương người quá cố, trong khi người nhà còn bận tính toán tiền phúng điếu, tệ hơn có đám con cái vẫn diện đồ đi “sàn” hoặc dự tiệc... Chứng kiến những chuyện như vậy, tụi tui nhiều lúc mắc cười mà nước mắt cứ chảy ra, chả cần phải cố gắng diễn. Bởi vậy tui không có can đảm theo nghề này lâu và bắt cả vợ con bỏ nghề. Tui sợ...