Nhật ký của honmakhongnha
honmakhongnha viết vào ngày 10.08.2009
Miền Tây tôi yêu!

Ngày còn nhỏ, tôi biết về thiên nhiên miền Tây Nam bộ là qua cuốn sách "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. Khi lớn lên, tôi may mắn có nhiều cơ hội biết thêm về đặc trưng văn hóa, tính cách của người phương Nam qua các công trình nghiên cứu hoặc các tác phẩm văn học của nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng,... Những ngày thơ bé, điều đọng lại trong tâm trí tôi về miền Tây qua những trang sách là vùng đất có nhiều sông nước còn hoang sơ, có mùa nước nổi với hoa điên điển vàng rợp, ở đó có rất nhiều loài cá nước ngọt, nhất là cá hô và cá linh, người miền Tây là những người chân chất, tình cảm. Hai người miền Tây để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi qua những trang sách là bác Ba Phi và người chồng trong câu chuyện tình buồn về Cây Sầu đâu.

Năm tôi học lớp 5, một người anh cùng cha khác mẹ của tôi chuẩn bị lấy vợ là một cô thôn nữ miền Tây và tôi được đưa đi cùng cả gia đình để xuống gặp ba mẹ chị ấy. Tôi vẫn còn nhớ chị ấy tên là Chi, chị có mái tóc dài mềm mượt cùng thân hình mảnh mai với trang phục thường xuyên là bộ áo bà ba cùng nụ cười rất duyên. Khi đó, tôi chẳng hiểu gì về việc cưới xin, chỉ biết rằng chị ấy sắp trở thành chị của tôi. Tôi không thể nhớ được mình đi bao lâu mới tới nơi và quê chị ở đâu vì tôi đã ngủ ngon lành trên suốt quãng đường đi. Tôi chỉ nhớ nhà chị có vườn cây ăn trái rộng trồng toàn cây sapôchê. Chị dẫn tôi và cô bé gái đi hái những quả đã bị chim ăn mất một góc với lời giải thích rằng đó là những trái ngon nhất và chín cây. Tôi nhớ cả bụi sơ ri đầy gai và kiến vàng nhưng có những trái ửng vàng, đỏ ngọt lịm.

Kỷ niệm ghi đậm trong ký ức tôi trong chuyến về miền Tây đó là chuyến đi chơi dọc sông bằng chiếc xuồng ba lá nhỏ. Chị và một người em trai lớn hơn tôi chừng vài tuổi đã chèo xuồng chở tôi và nhỏ em gái chị đi dọc con lạch nhỏ sau nhà chị đến tận sông lớn. Những thứ quả tôi đã hái, nếm thử trên đường đi và chất đầy trong chiếc nón lá của chị ở lòng xuồng là những trái trâm bầu ngọt dịu và trái bần chua không thể tả.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi được một đứa con trai tặng hoa. Khi con lạch chảy đến sông lớn thì trước mắt tôi là những đám lục bình xanh rợp mặt sông với những chùm hoa tím ngát. Em trai của chị đã nhảy khỏi xuồng, bơi ra chỗ đám lục bình, ngắt mấy chùm hoa lục bình tím. Em trai chị có làn da ngăm nâu và tôi vẫn nhớ đôi mắt sáng long lanh trên khuôn mặt ướt nhẹp, lấp lóa ánh nắng khi trồi lên ở mép xuồng, một tay chìa về phía tôi đám hoa lục bình nói: "Cho em nè!".

Những ngày sau đó anh tôi đón chị Chi lên thành phố ở chung với gia đình tôi luôn trong thời gian chuẩn bị lễ cưới. Tôi rất thích chị Chi vì chị hiền dịu, nhỏ nhẹ và biết thêu thùa không như tôi. Chị vẫn thường chỉ tôi ngồi thêu ở cửa lùa ngay góc bếp nhà cũ của tôi. Thế nhưng, hình ảnh cuối cùng về chị Chi mà tôi còn nhớ là đôi mắt đỏ hoe, ngập tràn nước mắt khi anh tôi đổi ý không muốn cưới chị nữa. Khi đó tôi chỉ là một con bé ngây ngô từ cách ăn nói đến lối suy nghĩ, tôi không biết làm gì để giữ chị lại ngoài chuyện lẽo đẽo đi theo anh trai để nói mỗi câu: "Em thích chị Chi! Em muốn chị ở chung nhà với mình!"

Câu chuyện buồn về Cây Sầu đâu mà tôi đọc trong sách và chị Chi cho tôi bài học đầu đời về tình yêu rằng TÌNH YÊU SẼ MANG LẠI ĐAU KHỔ.

Khi học lớp 7, tôi được đi miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ở Châu Đốc, An Giang. Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên đi qua phà, chẳng biết là sông gì mà đi thật lâu mới đến bờ bên kia, gió đêm thổi vào mặt mát lạnh còn sông nước thì mênh mông và tôi thì không biết ... bơi! Trong bóng đêm nhập nhoạng với những ngọn đèn leo lét trên đường đi, tôi nhìn thấy mặt nước tối om loang loáng qua cửa kính xe. Thi thoảng tôi nhìn thấy những cái chòi lá không một ánh đèn dựng cao hơn mặt nước. Người ta nói với tôi rằng đang mùa nước nổi, những người vừa mới chết sẽ không thể chôn ngay, những cái chòi đó dùng để đặt tạm những cái quan tài, chờ nước rút rồi thổ táng.

Khi 18 tuổi, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi 3 tháng, tôi quen một người bạn luôn tự hào với cái tên đẹp của mình - Châu Ngọc Thoại Giang. Bạn ấy luôn hỏi tôi có biết sông Thoại không? Sông Thoại là dòng sông quê hương của bạn ấy và bạn ấy là Chế Hai trong nhà. Rồi bạn ấy liến thoắng giải thích cho tôi hiểu rằng "Chế" có nghĩa là chị, rằng Chế Hai là Chị Hai. Bạn ấy tiếp tục kể rằng bạn ấy rất thương các em của mình và khi gọi những đứa em, bạn ấy thường không gọi tên hay thứ tự mà gọi là "Cưng". Và kể từ đó, tôi chỉ gọi một người nhỏ tuổi hơn mình bằng từ "Cưng" khi tôi thực sự quý mến người đó.

Khi trưởng thành, tôi đã 1 mình lang bạt đi đến nhiều nơi nhưng miền Tây thì tôi gần như chỉ biết mỗi tỉnh An Giang và thành phố Long Xuyên. Ấn tượng ban đầu về An Giang với tôi chỉ là những câu chuyện cổ tích về vùng Bảy Núi, về sông Thoại của bạn Thoại Giang. Một buổi chiều ngày sinh nhật, tôi đã ngồi xe lôi đi vòng quanh thị xã Châu Đốc rồi ngồi lê ở một quán ven đường ăn ly dừa nước mát lạnh, ngọt dịu. Tôi đã cười nắc nẻ, khoái trá ngồi đếm xem đã nhận đủ tin nhắn chúc mừng sinh nhật của đám bạn thân chưa sau khi đã điện thoại mắng vốn ầm ĩ cả đám vì tội...quên mừng sinh nhật mình! Những buổi chiều muộn và tối ở Long Xuyên, tôi thường một mình đi dạo, ngắm trường Thoại Ngọc Hầu, hai cây cầu chính ở Long Xuyên, hồ Nguyễn Du...

Với mục đích biết về miền Tây nhiều hơn, nhân kỳ nghỉ lễ Giỗ Tỗ năm ngoái, tôi đã rủ rê một cậu bạn quen trên mạng làm một chuyến du lịch về Cần Thơ. Cậu ấy tên Phi Long, đã hào hứng ủng hộ chuyến đi chơi của tôi bằng việc đề nghị lịch trình vui chơi, đi hỏi khách sạn, cặm cụi vẽ bản đồ Cần Thơ bằng word rồi không gửi được cho tôi vì quên...usb. Khi Long sốt sắng chỉ tôi vẽ bản đồ Cần Thơ qua YM, tôi cảm thấy đang gặp lại cô bạn Thoại Giang ngày nào; cùng một kiểu nhiệt tình với bạn bè hay đây là tính cách của người miền Tây? Tôi không biết nhưng điều đó làm tôi vui và nghĩ rằng chuyến đi chơi sẽ rất thú vị.

Và sau chuyến đi chơi về Cần Thơ đó, tôi nghĩ rằng duyên phận là có thật và cảm nhận được những tính cách đáng yêu của người miền Tây.

Ngay khi ra bến xe đi chơi, tôi đã gặp một bạn học cùng cấp 2 ngày xưa. Bạn ấy gọi tôi nhưng vì tôi không nhận ra bạn ấy nên nhất định không chịu thừa nhận có quen biết. Bởi vì không nhận ra bạn ấy, tôi lập tức tạo ra khoảng cách, không cho bạn ấy tiếp cận tôi bằng sự thờ ơ đến lạnh lùng. Bạn chỉ thở dài thườn thượt rồi nói với tôi họ và tên đầy đủ của mình trước khi quay đi… Sau 30 phút ngẫm nghĩ cật lực bởi cái tên nghe rất quen thuộc, tôi mới nhớ ra bạn ấy và thấy mình thật vô tâm, cảm giác trong tôi có lỗi ngập tràn. Trong 1 học kỳ 6 tháng ngắn ngủi đó (bạn ấy chỉ học ở trường tôi 6 tháng rồi sau đó chuyển trường). Khi đã nhận ra bạn ấy, tôi nhoài người lên hàng ghế phía trước, liến thoắng đủ chuyện với bạn trên đường đi y như những lúc còn học trong lớp. Sáng hôm sau, bạn ấy đã đưa tôi đi ăn sáng, chở đi chơi lòng vòng trong thành phố Cần Thơ. Tôi biết rằng, nếu không phải là bạn – người miền Tây - thì sẽ không có chuyện tôi được chăm sóc như vậy sau khi tôi đã đối xử rất không lịch sự với bạn! Một bài học về cách cư xử mà tôi cần phải ghi nhớ, không nên quá vội vàng "xù lông nhím" ra với người khác!

Khi ngồi xuồng máy đi Chợ nổi Cái Răng, tôi cảm nhận được sự mênh mông của sông Hậu khi ngồi yên vị, nhắm tịt mắt lại, lắng nghe tiếng nước té lên hai bên mạn xuồng, làn gió mang hơi nước thổi mơn man trên mặt; mở mắt ra thì thấy toàn nước và nước nhưng vẫn an toàn. Một bên sông là bến Ninh Kiều, chợ Cần Thơ, những ngôi nhà xây, xưởng cưa ven sông hay những bulô chứa lúa thể hiện sự sung túc, trù phú. Một bên là những ngôi nhà gỗ tạm, trên con đường cặp theo sông là đám đông đang lũ lượt kéo nhau đến một cái đình gần đó.

Rồi cũng đến Chợ nổi Cái Răng, những chiếc thuyền buôn với cách quảng cáo trực quan, bán gì thì treo lên cây sào trước mũi thuyền món đó. Chả thế mà có cây sào chỉ lủng lẳng mỗi trái dưa hấu hoặc một cái bông cải, còn một số cây sào khác thì đầy củ quả, nào là mấy củ hành tây, củ cà rốt rồi cà chua... Lúc tôi đến thì chợ đã hơi vãn, tôi đến là chết thèm với mấy ghe bán ổi xá lị hoặc củ sắn chạy cặp mạn xuồng du lịch chào mời, món khoái khẩu mà!

Cách đây 13 năm, khi lần đầu tiên nhìn thấy những chùm hoa vàng rực rỡ rũ xuống từ cành cây muồng hoàng yến trong sân nhà người ta, tôi đã yêu mê mẩn nó, yêu đến mức tôi luôn chọn con đường đi học về xa nhất chỉ để ngắm nhìn nó. Những chùm hoa vàng ấy đẹp nhất vào tháng 4, khi cái nóng, ánh nắng trở nên gay gắt và lá cây thì gần như rụng hết, chỉ còn những cành cây mảnh mai đầy hoa. Trên đường đi Thốt Nốt, tôi vừa tận hưởng cảm giác dễ chịu khi ngồi sau lưng cho ai đó chở, vừa thoải mái ngúc ngoắc đầu liên tục sang phải rồi sang trái để ngắm cảnh hai bên đường, nhất là những cây muồng hoàng yến đầy hoa vàng rực rỡ đang độ đẹp nhất. Mọi sự lo toan về điều khiển, kiểm soát, suy tính tan biến; đầu óc tôi trở nên rỗng tuyếch, lòng không vui không buồn!

Bữa cơm chiều ở nhà bạn Long có món thịt Chuột đồng, tôi thì lần đầu tiên được nếm món thịt này nên loay hoay ăn một cách chậm rãi để thưởng thức hương vị. Tôi thì nghĩ nó chỉ đơn giản là thịt, chắc chắn ngon hơn thứ thịt gà công nghiệp mềm oặt nên cắm cúi ăn...nhiệt tình. Tôi vốn không thích thức ăn có vị chua. Có lẽ vì thế mà mặt mũi tôi hình như trở nên rất thảm hại khi vị xoài chua đột ngột lấn át vị của thức ăn khác. Khi ngẩng mặt lên thì thấy cả Long và chị tư, nhóc em của Long đều đang nhìn tôi, mắt ai cũng tròn xoe như chờ đợi phản ứng tiếp theo của tôi. Tôi suýt nữa đã không nhịn được cười bởi cả ba đều hỏi tôi cùng một câu ngắn gọn: "Ăn được không?". Câu trả lời là "Được" (ý là ngon tuyệt), cho cả bún măng vịt và chuột đồng!

Mọi ngôi nhà mà tôi từng bất chợt vẽ ra đều không bao giờ mở cửa, cho dù đó là hình vẽ của thời mẫu giáo lá, tuổi 17 hay tuổi 23. Lần đầu tiên nhìn thấy ngôi nhà của Long từ trên cầu Bờ Ao, tất cả các cửa đều đóng, không một bóng người (vì đi thanh minh hết cả!) - chính điều đó đã thu hút sự chú ý của tôi. Ngôi nhà tuy có màu sắc nổi bật, nhưng lại đẹp vì màu đặt đúng chỗ, không lộ ra một cách kiêu hãnh so với vị trí những nhà xung quanh và được ngắm đúng thời điểm. Nói một cách dí dỏm và hình tượng, đó là một cô gái đẹp, đang bẽn lẽn nép mình, không phô trương vẻ đẹp một cách lộ liễu, ồn ào!

Ngồi trong phòng khách rộng của ngôi nhà ấy nhìn ra vườn, tôi có thể ngắm cây vú sữa cao lớn, dáng vững chãi với những chiếc lá khác màu ở mỗi mặt luôn xào xạc, rung rinh với bầu trời xanh gợn vài đám mây trắng làm nền, thi thoảng những con sẻ ríu rít bay vèo ra khỏi tán cây. Tôi thích cảm giác ngồi trong nhà, thở đều nhẹ nhàng và phóng tầm mắt nhìn mơ màng ra vườn, không chủ đích nhìn thứ gì thật rõ ràng, thả tự do cho các giác quan cảm nhận từng chuyển động, âm thanh, sắc màu của ánh sáng ban ngày. Buổi chiều muộn, khi ngồi trên bậc thềm cao nhất của tam cấp ở cửa chính, tôi có thể dễ dàng duỗi cặp chân của mình, vươn ngón chân cái chạm vào những bậc thềm thấp hơn. Ngồi trên thềm, tôi thấy con đường nhỏ lót đan dẫn từ cổng rào đến phần sân xi măng bỗng duyên dáng đến lạ lùng, mảnh mai và nổi bật trên nền đất. Cái cổng rào và hàng rào có cũng như không khiến cho khoảnh sân vườn trước nhà biến thành dạng mở, không có ranh giới quá tách biệt với con đường nhỏ. Con đường nhỏ trước nhà Long thỉnh thoảng có một chiếc xe gắn máy chạy qua hay tiếng vòng xoay ken két nhẹ nhàng của một chiếc xe đạp chậm rãi đi qua. Phía dưới mé sông thì thỉnh thoảng nghe tiếng động cơ của những chiếc ghe chạy ngang, khuấy động làn nước. Ngồi trên thềm nhà, Long có thể cất cao giọng nói chuyện với người đứng tận ngoài...cổng rào khiến tôi bất ngờ bởi kiểu giao tiếp này đã lâu tôi không thấy!

Ấn tượng về chuyến ghé thăm nhà bạn Long có thể tóm gọn là: Mọi thứ đẹp bình yên và tĩnh lặng, đáng là niềm tự hào của bạn. Sự tiếp đón nhiệt tình của cả gia đình Long dành cho người khách là tôi vào ngày thanh minh - ngày của gia đình, là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Khoảng thời gian gần một ngày ở nhà Long đem lại cho tôi những thời khắc vui vẻ, dễ chịu dù nó rất ngắn ngủi…

Cảm nhận
Gởi bởi baogioemquen vào ngày 10.08.2009 18:52:46
nói Cô hồn hok tin, thật trùng hợp đến lạ kỳ là người iu của T cũng là người miền tây ấy :D Vui tính, bộc trực, khẳng khái, ruột gan mình thế nào phơi bày cho người ta xem hết... keke, đó là những đức tính riêng biệt của mảnh đất phương Nam! Iu lắm những con người miền tây chất phác thật thà!
Gởi bởi baogioemquen vào ngày 10.08.2009 19:09:34
hò ơ....cống cống xê xàng xê.....

"Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi"
Gởi bởi katori vào ngày 24.10.2009 12:35:29
Mình chưa bao giờ có nhiều ấn tượng như bạn khi đến một nơi nào. Mỗi lần về quê, chỉ biết thẳng đường về nhà, rồi lại về. Duy nhất một lần lang thang, là để ra bến phà. Chẳng hiểu sao lại rất thích ngồi trên phà, gió thổi lồng lộng, nước mênh mông, và nhận ra mình muốn được như những làn gió, đùa trên mặt sông. Giờ có cầu Mĩ Thuận, về quê chẳng còn được đi phà nữa, chợ nằm cạnh đấy giờ vắng hoe.
Mình thích măm trái dừa nước, thích trái cây trong vườn. Ngày xưa có mận da người, mận xanh, mận hồng đào; rồi trồng quýt, trồng thanh long; sau lại chuyển qua nhãn, rồi lại dừa.
Về quê được thong thả đi qua mấy cây cầu nho nhỏ, được đi câu còng, được tắm ao(không biết bơi và vẫn thế đấy)
Cái lần đi rước cô dâu(nhà nhỏ bạn) ở tận Trà Vinh, K chỉ nhớ mình mệt nhoài sau 7h ngồi trên xe, nhớ đã qua rất nhiều chùa, TV nhiều chùa của người Chăm, lớn và đẹp. Chỉ nhớ nhất là trước nhà cô dâu có con sông nước đỏ phù sao. Ai đi đám cưới cũng í ới gọi xuồng qua chở. Bọn mình rất mê, đòi xuống thử xem thế nào, lại mang cả giày cao gót mà bước xuống xuồng làm ai thấy cũng cười (may sao ko uống nước sông ấy chứ). Nhà máy rượi với mấy tấm vách đều bằng lá dừa, nhìn thích mê, dù nhà ở quê cũng có cái bếp bằng lá dừa nước.
Chỉ thế thôi, không nhiều kỉ niệm như bạn,không cảm nhận sâu sắc như bạn, nhưng lần sau, mình nhất định sẽ khám phá nhiều hơn nữa, đi thăm cồn Phụng, nơi làm kẹo, làm bánh phồng sữa, thăm vườn trái cây,.. chứ không ở nhà như thế nữa. Phải đi để yêu quê hơn chứ!
Gởi bởi anhtuan108 vào ngày 16.08.2010 18:35:30
Cách viết thật nghiêm túc. đáng nể..
Viết cảm nhận
Bạn phải đăng ký và login để gởi cảm nhận. Bấm vào đây để đăng ký



Bình chọn
Bạn biết đến Hoa Thủy Tinh từ đâu?





Liên kết
User Online
140 người đang xem Hoa Thủy Tinh, trong đó có 0 thành viên và 140 khách