Nhật ký của canh_thom
canh_thom viết vào ngày 30.04.2020
nhân sinh ...

(Bài viết cũ năm 2011)

Đời tôi có một số cái mơ hồ mà đến bây giờ nó vẫn còn bỏ ngỏ khiến tôi thỉnh thoảng không nguôi ngẫm nghĩ, chẳng hạn như về nguồn gốc của mình… Tôi sinh ra tại Hà Nội, cha mẹ tôi quen nhau giữa thủ đô trong những ngày đầu hoà bình, cuối chiến tranh, nên tôi được sinh ra ở đó. Mẹ tôi bạc phận, qua đời rất sớm khi tôi chỉ chừng vài tuổi, cha tôi chuyển vào miền Nam rồi có gia đình riêng, còn tôi được ông bà ngoại “lá vàng khóc lá xanh”, thương con xót lây cả cháu mang về nuôi nấng tại một thành phố biển miền trung. Vì thế từ bé lớn lên tôi đã quen với gió biển và nắng biển miền Trung, quen với những buổi trưa hè trốn nhà đi hái trứng cá hoặc ra biển nhặt vỏ ốc. Và tất nhiên quen cả bão miền Trung, không năm nào là không dữ dội. Hàng cây xà cừ nhiều năm tuổi trước cửa khu nhà tập thể của ông bà tôi phải năm, bảy vòng ôm của trẻ con chúng tôi mới ôm xuể gốc thế mà cũng bị bão bật tung, chỉ còn lại thưa thớt mấy cây. Hoa xà cừ bé li ti, rất thơm, thơm ngai ngái mùi gì không tả được, thuở bé tôi cùng bạn bè hàng xóm hay leo lên nóc thượng, hái hoa xà cừ để làm đồ chơi, hái lá xà cừ buộc lại giả làm lều… Ở thành phố tỉnh lị bé teo đó, tôi còn nhớ kỉ niệm năm cấp một, tôi đi học còn nói hơi lai âm sắc giọng Bắc, bị bạn bè trêu rằng: “Bắc Kì ăn cá rô phi/ ăn nhằm lựu đạn tổ cha Bắc Kì” khiến tôi xấu hổ phải về sửa giọng của mình, và thuở bé tôi nói khá giống giọng địa phương nơi đó. Đó cũng là nơi mà tôi có một bài tập làm văn cấp một, năm lớp năm, lần đầu tiên được cô giáo cho 9 điểm, đề cô ra là: “Em hãy tả về biển quê em”, tôi đã tả về biển kiểu gì đến giờ tôi không còn nhớ nữa, chỉ nhớ là bài văn của tôi đã được cô đem ra đọc trước lớp, bài văn ấy có câu cuối rằng “…tôi biết là tôi cũng sẽ ra đi, đến một nơi khác rất xa, mà nơi ấy sẽ không còn có biển…”. Biển trong tôi là những con tàu về bãi nhấp nhô, những thuyền thúng được phủ dầu rái nâu trùi trũi, những xóm chài chiều chiều về nhóm họp bán cá, và cả dãi bờ biển dài rác rến bẩn thỉu không thể nào chịu nổi, thế mà hồi bé tôi hay tha thẩn ra chơi, đi dọc theo bờ, sưu tầm những vỏ hến, vỏ ốc là lạ trên bãi cát, và phát hiện ra một mảnh xác không rõ của xe tăng hay là mảnh pháo gì đó còn sót lại sau chiến tranh mà ngày ấy tôi rất vui vì xem đó là một bí mật của riêng mình, chỉ một mình mình biết... Phần kết luận trong cái bài tập làm văn ngày ấy thật ứng nghiệm, chỉ hơn một năm sau, việc chia tỉnh xảy ra, ông bà ngoại tôi (tất nhiên đem theo cả tôi) theo các con chuyển sang một thị xã khác, giờ thuộc một tỉnh lị khác, nơi mà biển xa hơn rất nhiều khiến đôi chân trẻ con của tôi chẳng thể nào mà tìm thấy biển được.

Ở thị xã đó, tôi đã sống những năm cấp hai nhiều vui buồn trong cuộc sống gia đình, nơi mà ông bà ngoại tôi với đồng lương hưu ít ỏi nghèo khổ của mình đã phải gồng gánh đèo bòng thêm nhiều mảnh đời rách nát… Tôi sẽ chẳng bao giờ đem những câu chuyện buồn đó kể ở đây, vì mọi thứ cũng đã qua, khơi lại chỉ như khơi lên những đống tro tàn, những bóng ma chỉ khiến làm tổn thương thêm một số người, một số thứ…, hãy quên nó càng nhiều càng tốt. Sau này, đọc cuốn “Thời thơ ấu của Macxim-Gorki” tôi có rất nhiều đồng cảm, đặc biệt là về hình ảnh xóm thợ thuyền,về những mảnh đời cái gì cũng rách nát và sứt mẻ, về người bà, và về chuyện người đầu bếp tốt bụng đã cho Macxim-Gorki mượn sách – những cuốn sách là cứu cánh tinh thần cho cậu bé Macxim khi đó…Tuổi thơ của tôi thời gian đó cũng vậy, tôi được trời cho thú vui đọc sách. Tôi gặm hết sách trong thư viện tỉnh (tất nhiên chỉ trong khu vực người ta cho tôi vào) và gặm hết tủ sách rất quý của gia đình đem từ ngoài Bắc về. Đó là lí do vì sao mà tuổi thơ tôi chìm trong đống văn học Nga, Pháp, Anh…, và văn học Việt Nam từ lãng mạn cho đến hiện thực phê phán… Tôi gặm bất cứ thứ gì lọt vào tay mình, và nhạy cảm khóc cười với cả thế giới con người trong sách ấy. Này đây nàng Ka-rê-ni-na lao đầu vào đoàn tàu kết liễu đời mình trong sự thất vọng cùng cực về tình yêu, về cuộc sống. Này đây nàng “Đi-tê con của người đời” vật vã kinh hoàng với sự khốn khó mưu sinh trong một xã hội tàn nhẫn, khốc liệt. Này đây nàng digan Exmeranđa xinh đẹp “muôn thuở đàn bà” thà chết vì gã đàn ông đẹp trai mà hời hợt, phù phiếm như Bê-buýt chứ không chịu yêu một người tốt ẩn sau một vẻ ngoài xấu xí như người gù Quashimôđô. Này đây Jên-Erơ – cô gái mồ côi – âm thầm với chiếc áo xoàng xĩnh như của tín đồ Quaker suốt đời trăn trở về thân phận, giai cấp và tình yêu và cuối cùng hạnh phúc bên người đàn ông cô đơn, kì quặc mà yêu nồng nàn, say đắm – ông Rôchester. Này đây cô bé Axôn luôn mong ngóng “cánh buồm đỏ thắm” đem chàng hoàng tử đến đời mình. Này đây chú lính chì dũng cảm, gã cổ cồn hay bà chúa Tuyết lấp lánh trong câu chuyện cổ tích của Anđecxen… Này đây chàng Raskonicốp cầm búa giết người trong hôn mê rối loạn tinh thần, trong ảo tưởng và sự bế tắc về con đường giải phóng giai cấp…Này đây lão Grăng-đê hà tiện, “bà” Bô-va-ry đau khổ và phù phiếm, thầy Đuy-sen tận tuỵ đáng kính mà cũng thật đáng thương, cây phong non trùm khăn đỏ và nàng Giamilia của núi đồi và thảo nguyên v.v… và v.v…Không biết đã có bao nhiêu nhân vật văn học đi qua mà tôi từng khóc cười với họ cứ như họ là người có thật đang đâu đó ở ngoài đời…

Những quyển sách quý giá một thời đó chính là cứu cánh của đời tôi, nó đã giúp tâm hồn tôi chậm cằn cỗi hơn và đỡ bị nhem nhuốc đi theo những bộn bề của đời sống về sau, khi mà tôi lớn lên, bận bịu với công việc mưu sinh khiến tôi không có nhiều thời gian cũng như không còn giữ được niềm đam mê đọc sách… Những cuốn sách được gia đình đem về từ ngoài Bắc này cùng với những câu chuyện kể của dì tôi về Hà Nội, về “ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó, đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than”… như một mối dây vô hình kết nối tôi với Hà Nội, với miền Bắc nơi tôi đã sinh ra, khiến tôi về sau không mấy lạ lẫm với nền văn hoá miền Bắc, tôi biết xem chèo, biết nghe quan họ, thích đọc ca dao...

Số phận đã không cho tôi gắn bó nhiều với miền Bắc và miền Trung, hết cấp hai, tôi lại chuyển vào Sài Gòn mảnh đất phương Nam vô cùng ấm áp với những con người khoáng hoạt, dễ chịu, phóng khoáng. Tôi được tuyển thẳng vào học trường Pêtrus Ký – Lê Hồng Phong, ngôi trường nổi tiếng đầy truyền thống từ thời Gia Định ngày xưa nhờ một giải học sinh giỏi quốc gia mà tôi đạt được ở cấp hai vào năm cuối cấp. Dưới ngôi trường đó, tôi học hỏi và giao lưu được rất nhiều với bạn bè về văn hoá, về tầm nhìn, về suy nghĩ… Đó là những năm tháng sôi động và nhiều cảm hứng, giúp cho tôi bước vào cổng trường đại học với không mấy khó khăn, tuy nhiên, không thực sự nhiều kỉ niệm. Có lẽ thời gian ấy, đầu óc tôi quá bận bịu với những nỗi niềm riêng trong cuộc sống, một thời gian dài rất hoài nghi về ý nghĩa cuộc sống và về sự tồn tại của chính bản thân mình. Tôi đi tìm sự lí giải cho ý nghĩa cuộc đời ở tôn giáo, và tôi hi vọng ở Tình Yêu. Thế nhưng sau này hành trình đi tìm Tình Yêu của tôi nó còn mơ hồ và quanh co hơn cả cái nguồn gốc của mình… Tôi sống ở miền Nam lâu, ăn lúa gạo miền Nam, uống nước miền Nam, tôi đâm yêu cái đất phương Nam từ bao giờ chẳng biết. Người miền Nam hồn hậu, nghĩ sao nói vậy, không quanh co bóng bẩy như người miền Bắc, không “đậm đà” như người miền Trung, thế nhưng ở lâu với họ, hiểu họ, ta quen dần với sự dễ chịu, sự phóng khoáng rất “nhẹ đầu” và rất đáng yêu của dân xứ gạo trắng nước trong này. Bây giờ tôi đã gắn bó với miền Nam đến nỗi tôi nghĩ rằng nếu ra Bắc hay về Trung thì tôi sẽ không dễ dàng thích nghi và sống lâu dài được ở đó.

Tuy nhiên, tổ tiên của tôi cũng không thuộc về bất cứ mảnh đất nào mà tôi đã sinh ra,  tôi đã lớn lên hay đang định cư hiện tại. Gia pha sáu đời nhà phía nội tôi chép lại, ông kị nhà tôi vốn là một thầy thuốc người Tàu, quê tại Phúc Kiến, Trung Quốc, nói tiếng Tiều, sang lấy vợ Việt Nam rồi sinh con đẻ cái… Đến tôi là đời thứ sáu, tôi không còn biết gì nữa về nguồn gốc xuất xứ của mình ngoại trừ cái họ mà tôi đang mang khiến cho từ bé đến giờ tôi chưa từng gặp bất cứ ai trùng lặp với tôi cả tên lẫn họ… Khi sang sống ở Đức, tôi có rất nhiều bạn Tàu, tôi hỏi họ bằng tiếng Đức về tỉnh Phúc Kiến và túng túng không biết diễn đạt địa danh đó ra sao vì tôi không hề biết tiếng Hoa. Ngôn ngữ bất đồng, cuối cùng thì họ cũng hiểu ra, và họ phát âm đó là “Phủ-chiên province”, trong đoàn có một anh cũng người “Phủ chiên”, anh ta tả là tỉnh Phúc Kiến là tỉnh rất rộng nhưng mà rất nghèo của Trung Quốc, và chỉ cho tôi tỉnh đó trên bản đồ. Chuyện Trường Sa, Hoàng sa manh nha nổ ra, thoạt đầu tôi rất buồn và hoang mang vì sâu thẳm đâu đó trong tôi, tôi từng nghĩ rằng dù sao đi nữa, dòng máu Trung Quốc vẫn có chút ít trong tôi (mặc dù rõ ràng theo di truyền sinh học, lai từ đời F1, F2, đến F6 thì đã chẳng còn gì) tuy Việt Nam mới chính là máu thịt của tôi… Cho đến khi chuyện Trường Sa Hoàng Sa xảy ra quyết liệt, tôi chợt thấy mình là “Vietnamese” 100% như thế nào khi nhận ra sự phẫn nộ dâng lên tột cùng từ sâu thẳm tâm hồn và tôi chuyển sang trạng thái cực đoan là ghét bọn Tàu khủng khiếp. Tôi tẩy chay tất cả đồ tàu và khi đó ra đường, có ai nhầm hỏi: “Sind Sie Chinesisch?” (bạn có phải người Hoa không?), tôi lập tức xua tay :”Nein, ich bin Vietnamesisch” (Không, tôi là người Việt Nam).

Nhưng nói gì đi nữa, thì thỉnh thoảng tôi cũng không xua tan được một nỗi mơ hồ vu vơ của đời mình: “Tôi thực sự thuộc về chốn nào?”, nghe rất buồn cười và to tát như thể một câu hỏi triết học của loài người: “Ta là ai, ta từ đâu tới và ta sẽ đi về đâu?”. Thế nhưng với tôi, điều đó đôi khi khiến tôi cảm thấy như tâm hồn mình không có mỏ neo, không được neo đậu vào một bến bờ để những lúc buồn vui, tâm hồn tôi còn có nẻo quay về… Chế Lan Viên có câu: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Thế nhưng tôi không biết rằng mảnh đất nào thực sự hoá tâm hồn của tôi, tôi ở nơi nào nơi đó cũng vừa chấp nhận mà lại vừa từ chối tôi như thể cho rằng tôi không “thuần chủng” với giọng nói pha tạp, âm điệu chính là miền Nam nhưng pha một số sắc miền Trung kèm theo một vài cách dùng từ miền Bắc.


Ghi chú: Bên trên là bài viết cũ năm 2011. Thế mà đã 9 năm đã trôi qua rồi. Ông bà ngoại cũng đã không còn...

"Nhân sinh tiễn nhau khóc trước mồ

Ngàn năm còn lại chỉ hư vô

Một kiếp qua nhanh như chớp mắt

Lệ lòng cuộn chảy hóa thành thơ"

(04.2020, canh_thom)

Cảm nhận
Gởi bởi moc vào ngày 02.05.2020 15:33:59
Bài viết của bạn sâu sắc quá. Mình cũng gốc Hoa đời Fn có cái họ rất lạ đây nè :) Từ nhỏ tới giờ chưa có ai ghi đúng cái họ của mình luôn. Mà mình cũng chưa thấy ai có họ như mình.
Gởi bởi canh_thom vào ngày 02.05.2020 18:21:01
Cảm ơn bạn đã chia sẻ với mình nhé. Theo mình cảm nhận, con gái gốc Hoa dù tới tận đời Fn vẫn còn nét gì đó lưu lại trong tính cách đó bạn, thông thường là dịu dàng, nữ tính và hướng nội, không quá hướng ngoại...

Không biết bạn có thích những bản nhạc Hoa lời Việt không? Mình tự nhiên cũng thích các bản nhạc Hoa lời Việt lắm, có lẽ vì sâu thẳm vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa của phụ nữ phương Đông, trong tính cách vẫn chịu ảnh hưởng của phụ nữ gốc Hoa đó bạn. Minh hay nghe những bài như "Mỗi người một giấc mơ" (lời Việt: "Có một người đã yêu màu tím, giữa một chiều lá rơi trìu mến, cuối đoạn đường cánh chim rồi sẽ xa dần một chuyện tình lứa đôi..."), hay bài "Nụ hồng mong manh" (lời Việt: "Nhưng bông hoa kia mau phai tàn, rụng tả tơi trên đôi tay em băng giá...Nhưng sao nay anh quay trở về, ta còn gì đâu hoa kia đã héo trong tim, mối duyên xưa giờ chỉ còn là mộng thôi, em nay như trăng đã úa, thôi anh ơi duyên ta đành lỡ..."), bài "Đợi em đến hoa cũng tàn", bài "Dĩ vãng nhạt nhòa", "Ánh trăng nói hộ lòng em", "Xa em kỷ niệm"... :-)

Rất vui được làm quen với bạn :-)
Gởi bởi moc vào ngày 05.05.2020 01:14:59
"Con gái gốc Hoa dù tới tận đời Fn vẫn còn nét gì đó lưu lại trong tính cách đó bạn, thông thường là dịu dàng, nữ tính và hướng nội, không quá hướng ngoại..." k lẽ mình đồng tình thì tự mèo khen mèo dài đuôi mất rồi nhưng dù sao cũng rất vui vì có người nhận ra như vậy hihi
Nhạc hoa lời việt?? Huhu mình cực kỳ thích nghe luôn nè bạn. Mình thuộc làu bài Nụ hồng mong manh. Trong list các bài ruột của mình thì đó là bài mình hát hay nhất, ko hiểu sao luôn í ^^
Sáng nay nơi mình sống trời đã đỡ oi bức, kiểu u u mù mù rất bình yên lại đọc đc cm của bạn thấy cuộc sống thật đẹp. Cảm ơn bạn nhé. Chúc bạn ngày vui!
Gởi bởi canh_thom vào ngày 05.05.2020 08:58:33
Hihi, cảm ơn bạn, mình cũng rất vui khi nhận được sự chia sẻ của bạn nè. Mình mến chúc bạn một ngày thiệt là vui nhé, thả tim cho bạn nè
Viết cảm nhận
Bạn phải đăng ký và login để gởi cảm nhận. Bấm vào đây để đăng ký



Bình chọn
Bạn biết đến Hoa Thủy Tinh từ đâu?





Liên kết
User Online
115 người đang xem Hoa Thủy Tinh, trong đó có 0 thành viên và 115 khách