Nằm trên đất kinh kỳ, người Hà Nội xưa mang đậm tính cách trí tuệ, hàn lâm, văn hiến, cũng như có một đời sống tinh thần phong phú. Song ngày nay, với tác động của kinh tế thị trường, nét thanh lịch của người dân thủ đô đang bị phá vỡ nhiều mảng.
Nằm trên đất kinh kỳ, người Hà Nội xưa mang đậm tính cách trí tuệ, hàn lâm, văn hiến, cũng như có một đời sống tinh thần phong phú. Song ngày nay, với tác động của kinh tế thị trường, nét thanh lịch của người dân thủ đô đang bị phá vỡ nhiều mảng.
Tại hội thảo Người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày 7/10, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử nhận xét, truyền thống văn hoá của người dân Tràng An xưa đang bị xói mòn. Nhà văn hóa Giang Quân phàn nàn, nét thanh lịch của người thủ đô đã bị phá vỡ. Ra đường, thấy phụ nữ ăn mặc hở hang, lai căng. Tới chợ, người kinh doanh thi nhau bắt chẹt khách, nói thách, bán hàng kém chất lượng. Nhiều đám cưới ngày nay cho rằng mời khách càng đông càng quý, tiền mừng nhiều mới là lãi.
Các nhà văn hoá nêu thực trạng đáng buồn là nhiều thanh niên nói tục như một thói quen, đua nhau hát nhạc chế, nhạc sến, chìm đắm trong tệ nạn xã hội.
Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng, nếp sống của nhiều người dân Hà Nội đã hoàn toàn khác xưa. Hiện nay dân số thủ đô gấp 10 lần năm 1954, thành phố đang đô thị hoá những vùng phi đô thị và thu hút nhiều người dân nhập cư, ảnh hưởng không tích cực đến lối sống, văn hoá của những thị dân. "Hà Nội hiện đang có những thị dân non về mọi mặt, họ chỉ có ý thức là người dân sống vì mưu sinh. Do vậy, họ ít tự hào về thành phố, không sống chết với thành phố". Giáo sư Lan cho rằng cần xây dựng người dân trở thành thị dân, vì họ mới là người xây dựng đô thị. Từ nền tảng kinh tế xã hội bền vững, mới có thể hình thành nét văn hoá thanh lịch lâu dài.
Với nhiều người, nét thanh lịch thể hiện trong giao tiếp ứng xử, đó là cử chỉ thái độ hoà nhã, qua sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Trong sinh hoạt văn hoá, thanh lịch là sành ăn khéo mặc, là sự tinh tế, những thú vui tao nhã. Trong lối sống, đó là sự giản di, thanh đạm, thuần hậu. Tuy nhiên, GS Phạm Đức Dương cho rằng, văn hoá phải đi từ xã hội đương thời và tương lai, chứ không đi theo truyền thống. Xã hội hiện giờ là kinh tế tri thức. "Cốt lõi của vấn đề là xây dựng tri thức của con người. Phải trang bị cho giới trẻ có hành trang tri thức để trở thành người công dân có ích", ông Dương nói.
Nhà văn Tô Hoài tha thiết đề nghị đưa môn Hà Nội học vào dạy cho học sinh ở thủ đô, để trẻ em được giáo dục về truyền thống và phẩm chất của con người Hà Nội.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy các phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội cần sự đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để bồi dưỡng văn hoá cho giới trẻ. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt tinh thần phong phú, giữ vững và đề cao các chuẩn mực xã hội, kiên quyết đấu tranh chống tệ nạn xã hội. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng quy chế tổ chức quản lý đô thị để tăng cường vai trò quản lý đối với các hoạt động văn hoá xã hội trên địa bàn.