Tác giả: Jackie Văn
Nguồn: http://khoanhkhacvothuonghxr.blogspot.com
Đây là miền đất xuongrong được sinh ra và lớn lên suốt quãng đời niên thiếu, từng góc nhỏ nơi thị xã nghèo đã gắn liền và trở thành một phần không thể thiếu trong tiềm thức. Nay mạo muội phóng bút viết đôi nét về Vĩnh Long ngày xưa cũ. Có nhiều điều vì còn trẻ dại, tuổi non nớt nên không hiểu rõ về lịch sử, cũng như quá trình phát triển và đời sống người dân ngày xưa. Mong độc giả vui lòng lượng thứ.
Và đây cũng là một cách viết mới mẻ, được xuongrong lần đầu tiên trải nghiệm. Nếu có gì thiếu sót, một lần nữa mong nhận được sự rộng lượng của độc giả. Chân thành cám ơn!
Tỉnh Cửu Long, năm 1990.
Nói đến miền Tây Nam Bộ, người ta lập tức nghĩ ngay đến những cánh đồng lúa xanh mướt đang thì con gái, những cánh cò chao lượn khi chiều tà, và hiển nhiên không thể thiếu những cù lao mượt mà vườn cây ăn quả. Cái danh xưng "thiên đường cây ăn quả" quả thật không ngoa. Đồng lúa rập rờn, vườn cây ngút mắt, người dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, sống đậm tình làng nghĩa xóm. Cuộc sống khi ấy nó nhàn nhã, không phải lắm lo toan. Bước một bước ra tới vườn rau mọc xanh mướt, bước hai bước ra tới bờ sông, buông câu thả vó trong chốc lát đã thấy cá tôm lách chách chụp không ngơi tay. Khát nước, buồn miệng bước dăm bước ra vườn trái cây chín treo lủng lẳng, giỏi nữa thì thoăn thoắt trèo cây hái dừa, nước dừa ngọt lịm mát tận đáy lòng.
Thị xã ngày ấy còn nghèo và hoang sơ lắm. Nhà cửa thưa thớt, cách chừng đôi mét mới thấy một mái nhà, thấp thoáng sau mấy lùm cây. Đường lót nhựa nhưng nhiều đoạn hai bên cỏ mọc um tùm, cỏ lau mọc cao quá đầu người. Mỗi khi mưa xuống thì ễnh ương cóc nhái thi nhau: uênh oang, ồm ộp, buồn đến não lòng. Cuộc sống miền quê hiếm nơi giải trí, chừng 6h chiều trời xâm xấp tối, các quán cà phê mái vách lá tuềnh toàng bắt đầu lên đèn, mở nhạc. Những bóng đèn cà na mờ mờ ảo ảo lập lòe trong bóng hoàng hôn, giọng Chế Linh buồn não nề. Dù mang tiếng thị xã nhưng vẫn thuộc miền quê, mà ở quê thì họ hay ngủ sớm. Mới bảy, tám giờ tối nhà nhà kín cửa chuẩn bị lên giường. Nếu trời mưa càng buồn da diết, cái quê, cái nghèo, cái vắng vẻ quyện vào tiếng hát ru ngủ của Chế Linh càng trở nên đậm đà, gieo vào lòng người cái nỗi buồn man mác không tên.
Miền đất nào cũng vậy, có kẻ nghèo thì phải có người giàu. Kẻ nghèo thì nghèo đến tàn mạt, mà người giàu thì giàu nứt đố đổ vách. Ở thị xã nhỏ hẹp này, đi loanh quanh đụng mặt nhau côm cốp, ai mà không biết bà Hai Kim Cương, bà Ba Hạt Xoàn... Mấy bà nhà giàu cơm no rửng mỡ, chiều chiều mặc bà ba phi bóng láng mướt màu mỡ gà, điệu đàng ngồi xe lôi đi dạo quanh thị xã hóng gió. Đầu, cổ, tay, chân bà nào bà nấy sáng choang, đỏ rực màu vàng và lấp lánh sắc kim cương.
Nằm trong số nhà giàu ấy có nhà ông Bảy. Nói bà Hai, bà Ba mà quên nói ông Bảy hãng rượu Thái Hòa là thiếu sót to lớn. Sau vụ đánh tư sản, gom góp mớ vốn còm, ông Bảy tiếp tục cái nghề làm rượu. Phải thời, trời đãi, chẳng mấy năm vốn liếng lại đầy, và có vẻ nhiều hơn xưa. Ông Bảy mua miếng đất, cất cái nhà đối diện Đất Thánh Tây. Cái nhà hai tấm, rộng thênh thang nằm ngay mặt tiền. Chừng đâu bề ngang bảy mét, bề dài mười lăm mét, chứa được cả hai ba chiếc xe lam chở rượu mỗi chiều.
Nói sơ qua địa danh "Đất Thánh Tây". Ở miệt quê, người ta không có đường này quận kia như ở Sài Gòn đèn hoa rực rỡ. Muốn đi đâu, lên xe lôi hay nói với người chở: "Tui đi tới chợ Long Châu", "Tui đi cái góc nhà bà Hai Kim Cương" là tài xế tình tang chở tới. Người ta gọi là "Đất Thánh Tây" đơn giản vì đây là cái nghĩa địa chôn lũ Tây bị bắn chết, chôn luôn lính chế độ cũ. Mảnh đất rộng chừng mấy trăm mẫu, đào chằn chịt để chôn xác người. Nghe đâu chỉ cần đưa cuốc quào quào mấy cái là lộ ngay xương người hoặc những cái xác chưa phân hủy hết. Mấy ông phu khuân vác, chiều chiều ngồi tán dóc bên xị rượu đế, giọng khào khào kể cách đây mấy năm, khiêng xác người đi chôn mà có thằng lính khi chết trái lựu đạn còn ghim giữa lồng ngực. Ngày ấy, đất rộng người thưa, thành ra ma nhát người như rươi. Cái miếng Đất Thánh Tây này đầy rẫy lời đồn, mà ai cũng khăng khăng là mình chứng kiến thật sự. Một đồn mười, mười đồn trăm, nên khi chiều sụp bóng, màn đêm đen đặc bao trùm nghĩa địa, không ai dám bén mảng qua lại. Ma sợ người, câu đó đúng không chưa thấy, chỉ thấy người sợ ma run lẩy bẩy. Đi đêm phải đi thật đông, từ năm, sáu người trở lên, chứ đi một mình ma dấu không còn mạng. Người ta nói đêm đêm, đúng không giờ, nếu đi ngang đó sẽ thấy những bóng trắng phất phơ trên những nhánh cây đa mọc trong nghĩa địa. Nhộn nhịp chẳng khác nào nhóm chợ của người sống.
Nhà bà Tư cách nhà ông Bảy chừng đâu đôi chục mét. Sáng nay bả quảy gánh hàng ra chợ bán, mặt xanh lè tái mét. Bả run run kể với bạn hàng: tối qua đâu chừng mười giờ tối, thằng con bả đi nhậu vẫn chưa về. Thằng trời đánh thánh vật, bỏ mẹ già chờ cửa đêm này qua đêm khác mà đi rượu chè be bét. Nhà bà Tư nghèo lắm, nên tối tối chỉ có ngọn đèn dầu mờ mờ tỏ tỏ để ngay chiếc bàn giữa nhà, không gian càng thêm âm u. Bà Tư nằm thiu thiu ngủ trên bộ ván, nghe tiếng thằng con đập cửa: "Má ơi, mở cửa cho con, con về rồi nè! Má ơi má!" - giọng thằng quỉ lè nhè, tiếng kéo dây xích rổn rảng. Bà Tư lập cập ngồi dậy, trả lời: "Thằng trời đánh, đi giờ này mới về" rồi lóng ngóng cầm cây đèn dầu đi ra mở cửa. Mở cửa, không thấy ai, bả chửi đổng: "Mẹ cha mày, đi nhậu về rồi núp ở đâu, vào mau lên tao đi ngủ", nhưng không thấy tiếng ai trả lời. Bà Tư bước ra sân, cầm đèn quơ quơ hai bên hiên nhà, chỉ thấy bóng trắng vụt qua rồi biến mất vào rặng bông bụp. Bả hết hồn run rẩy đi vào nhà, đóng cửa rồi lên giường nằm tiếp. Chưa ấm chỗ lại nghe tiếng đập cửa, giọng thằng con lanh lảnh: "Má ơi má, mở cửa cho con, má ơi!" - tưởng lần này thằng con về thật, bà Tư lụm cụm xách cây đèn ra mở cửa, vẫn không có ai. Nhìn quanh quất, có bóng trắng đang phất phơ trên đầu ngọn cây dừa trước nhà. Bả sợ quá, vào thắp nhang lên bàn thờ Phật rồi niệm kinh tới sáng. Trời lờ mờ, vừa tỏ mặt người thằng con bả mới về tới, bả mới biết tối qua bị ma kêu.
Bà Bảy sáng nay đi chợ, nghe đồn râm ran, vội mua ít hoa quả về chưng lên bàn thờ, đốt nhang lầm rầm khấn vái mong Trời Phật phù hộ độ trì cho cả gia đình được bình an. Chuyện đâu lắng xuống được dăm bữa nữa tháng, cả chợ Long Châu lại rộn ràng lên vụ mấy đứa con nít chơi năm mười (trốn tìm) bị ma dấu. Là vầy, chiều chạng vạng, ăn cơm xong tụi nhỏ trong xóm tụ tập lại chơi năm mười. Chơi miết đến sụp tối, ba má từng đứa ra kêu lùa về nhà, kiểm lại thấy thiếu thằng Tèo. Cái thằng loắt choắt mà lanh nhất nhóm, mỗi lần nó trốn là tìm đỏ mắt không ra. Kiếm cả tiếng đồng hồ không thấy, ba má nó bắt đầu lo, đi gõ cửa hàng xóm nhờ tìm kiếm phụ. Mèn ơi, cả xóm rình rang cầm đèn dầu đi kiếm. Kiếm tới hơn chín giờ đêm mà chả thấy thằng nhỏ đâu, mấy ông già bà lão nói coi chừng ma dấu. Kêu ba má nó lấy nhang đèn khấn vái rồi đốt ít giấy tiền vàng bạc. Nhang vừa tàn nữa cây, người ta nhốn nháo khi thấy thằng nhỏ nằm trong rặng dâm bụt gần Đất Thánh Tây, miệng nhét đầy đất sét, bụng cứng ngắt. Ông Chín vội móc họng, đè bụng cho nó ói ra, lấy dầu xoa hai bên thái dương, xoa chân tay cho ấm. Tới nữa tiếng sau thằng nhỏ từ từ tỉnh lại. Nó nói khi nãy đang tìm chỗ núp, có người đàn bà kêu nó vào nhà cho ăn bánh. Nó te te đi theo, người đó cho nó mấy cái bánh in, ngon lắm, nó cứ ăn, ăn tới lúc no kềnh thì không biết gì nữa, tới chừng tỉnh lại mới thấy mọi người bu quanh. Thằng nhỏ coi vậy mà hên, chứ tìm trễ thêm vài tiếng hổng chừng nó tắt thở về chầu ông bà. Từ bữa đó, chừng 6h chiều là nhà nhà đóng kín cửa, giữ rịt con cháu trong nhà không cho đi đâu.
Quay lại nhà ông Bảy. Cái nhà rộng mênh mông, xây theo kiến trúc nữa Tây nữa Ta. Nhà rộng, lầu cao vậy mà chỉ mỗi cái phòng ngủ cho vợ chồng ông. Còn con cháu, người làm thì ngủ ở gác lửng và sân thượng. Ông Bảy có cả thảy năm người con, ba người con gái đầu và hai người con trai bao chót. Con gái thì giống bà Bảy, cô nào cũng sắc nước hương trời. Nhất là cô Hai Oanh, tuổi tròn đôi mươi, đôi mắt đen láy to tròn, mũi cao môi thắm, hàm răng trắng bóng đều tăm tắp, mỗi lần cười khoe đồng tiền duyên khiến bao công tử ngày đêm săn đón. Ông Bảy cưng lắm, giữ kĩ trong nhà, sợ sơ sảy đám đó làm càng. Phải con nhà giàu, trắng da dài tóc, chiều chiều cô Hai Oanh mặc bộ bà ba phi bóng trắng muốt, thoa chút son ngồi trước hiên nhà phe phẩy quạt hóng gió. Trai thị xã được dịp cứ ve vãn như bướm vờn hoa. Chiều nào cô Hai ngồi trước cửa, là chiều đó con đường trước nhà ông Bảy nhộn nhịp kẻ qua người lại. Nụ cười hàm tiếu của cô Hai làm điêu đứng không biết bao nhiêu chàng trai. Nhiều mối đến dạm hỏi nhưng ông bà Bảy chưa ưng. Còn phải đợi kẻ môn đăng hộ đối mới không uổng công ông bà nuôi nấng, dạy dỗ, cho cô ăn học suốt mười mấy năm qua.
Hãng rượu ông Bảy làm ăn ngày càng phát đạt. Chiều chiều lại thấy ông đánh Vespa chở bà Bảy đi dạo vòng vòng, hay đánh chiếc xe hơi - cái thời mà xe đạp còn tính bằng vàng, thì chiếc xe của ông là cả một gia tài, có khi nuôi được một người đến mãn kiếp - chở cả gia đình đi chơi. Xe lướt tới đâu, người ta nhìn theo trầm trồ đến đó. Bà Bảy sang trọng ngồi giữa đàn con, ba cô hai cậu, cô cậu nào cũng bà ba phi bóng, vàng đeo đỏ tay. Nhất là cô Hai, chiếc nhẫn hạt xoàn trên tay, chiếc kiềng nặng trịch trên cổ trị giá mấy cây vàng, chiếu lấp lánh trong nắng chiều. Mấy chàng công tử con nhà giàu tóc tai bóng lưỡng, mặc đồ Tây đánh Cub50 chạy theo, mong nhìn thấy cô đưa tay ngà ngọc vén tóc rồi mỉm cười cho đêm về thao thức tương tư.
Công việc làm ăn càng lớn, ông bà Bảy mướn người làm thuê càng nhiều. Tính sơ sơ năm người hầu theo phục vụ năm đứa con cưng, thì sơ sơ nhân công trong nhà cũng quá hai chục. Mỗi người một khâu. Người súc chai, người khuân vác, người vào rượu, kẻ đóng nút rồi cột dây... phối hợp nhịp nhàng. Có kẻ ăn cơm chiều xong về nhà, cũng có người ngủ lại. Ngủ lại thì thường là hầu gái của năm cô, cậu và mấy anh lực điền, sáng thức sớm để quét dọn từ trên xuống dưới. Lạ một điều, nhà rộng, người cũng đông mà lúc nào không khí cũng lành lạnh, không có vẻ gì là có hơi ấm của người. Lúc mới xây, ông Bảy rước ông thầy phong thủy về coi. Ông thầy đi lên đi xuống, đo đạc trong ngoài rồi phán cái nhà này âm khí nhiều, phải siêng năng cúng bái chứ không khó lòng ở yên. Siêng năng cúng bái là thế, mà mấy cô làm công đêm đêm ôm nhau cứng ngắt. Vì nghe đâu chừng 12 giờ đêm, cả nhà chìm vào im ắng, thì cái cửa của xe lam chở rượu lại lách tách tiếng chìa khóa mở ra rồi đóng sầm vào thật mạnh. Đêm 16 trăng tròn, bà Bảy cúng cô hồn xong thì vào phòng ngủ. Đêm đó, cả đám người làm ngủ ở gác lửng, nữa đêm giật mình thon thót vì nguyên dãy chai dựng sát tường bỗng dưng đổ sập, miểng văng leng keng. Kẻ đùn người đẩy, không ai dám xuống coi, nhắm mắt nín thở chờ trời sáng. Lạ thay, sáng đi xuống thì nhà cửa sạch trơn, dãy chai đều tăm tắp, không có vẻ gì là bị ngã đổ đêm qua.
Bà Bảy nghe kẻ làm người ở nói ra nói vào, lòng cũng không yên. Sẵn tháng 7, qua rằm, bà đặt con heo quay to để cúng nhà cửa, rồi chia cho đám người làm. Chừng bốn giờ sáng hôm sau, bà giật mình vì tiếng động lạ. Tiếng chân chạy rầm rập trên sân thượng, bà làu bàu: "Tụi này, thức chi mà sớm quá!" rồi quay qua ôm ông Bảy, định ngủ thêm chút nữa. Vừa quay qua ôm chồng, bà hoảng hồn bật dậy, cánh cửa chốt trong đàng hoàng bỗng dưng từ từ mở ra một khoảng đủ rộng, như có ai mở cửa để lú đầu nhìn vào trong, bà vừa bật dậy thì tiếng bản lề kêu cót két, cánh cửa từ từ khép lại vào vị trí cũ. Bà hoảng hồn đưa tay bật đèn ngủ ngay đầu giường, trời còn mịt mù, sương đêm lành lạnh thế mà mồ hôi bà ướt đầm đìa toàn thân.
Đợi ông Bảy cà phê sáng xong xuôi, bà ngồi xuống, châm ly trà rồi kể chồng nghe. Ông Bảy nghe xong, mặt hơi tái, chắc lưỡi:
- Chắc phải mời thầy thôi bà à! Để thế này, coi bộ không yên!
Bà Bảy gật gù: - Ừ, ông nói đúng đó. Tui sợ quá. Rước ông thầy về cho yên tâm.
Bà Bảy có sở thích chơi tứ sắc, cái trò tiêu khiển của mấy bà giàu có. Ông Bảy biết ý, nên để lót gạch Tây mát rượi trên tầng thượng để cho vợ rủ mấy bà khác lại xập xòe. Bốn bà xòe mỏi tay đến chiều chạng vạng thì nghỉ. Bà Năm, bạn ngồi sòng lâu năm chống đùi đứng dậy, duỗi tay duỗi chân. Tuổi già lắm điều kì quái, đi bộ hay di chuyển một chút lại than đau than mỏi, vậy mà ngồi sòng xòe "quạt" cả ngày lẫn đêm thì bà nào bà nấy lại khỏe phây phây.
- Hôm nay xui quá. Hông chơi nữa chị Bảy ơi, tui về kẻo tụi nhỏ nó lo.
- Chị Năm về chi sớm, ăn bữa cơm chiều với nhà tui rồi về.
- Thôi, mấy hôm nay đi miết hà. Tụi nó cằn nhằn.
- Tui nói thằng Thọ đánh xe chở chị về.
- Chị Bảy, chị thấy cái cooc-xê* của tui đâu hông? Mèn ơi, hồi nãy tui cởi ra để ngay chân mà.
- Đâu, tui thấy đâu. Chị kiếm coi.
- Nhìn nãy giờ mà hông có thấy. Chèn đét, kì vậy ta?
Bà Năm vừa nói, vừa bước ra ban công ngoài sân thượng để tập vài động tác giãn gân cốt. Bà Năm mới bước ra chưa đầy phút, lập cập bước vào. Bà Bảy đang ngồi đếm tiền, hoảng hồn đứng dậy bước tới:
- Sao vậy chị? Sao tự dưng mặt mày xanh lè vậy nè? Trúng gió hả? Để tui kêu sấp nhỏ rót ly trà gừng cho chị uống.
- Chị... chị... chị Bảy ra đây coi.
Bà Bảy không biết chuyện gì, cũng vội bước ra. Bà rụng rời tay chân khi nhìn thấy chiếc cooc-xê úp sát, dính cứng ngắt trên tường nhà đối diện như thể bị dán bằng keo, không hở một khoảng trống. Hai cái bầu ngực, hai sợi dây căng cứng không khác đang được mặc trên người, xung quanh không một chiếc đinh hai móc. Hai bà tái mét dìu nhau vào trong, ngồi bệt trên chiếc chiếu hoa, bà Năm run run cất tiếng:
- Thôi chị Bảy, bỏ đi chị. Coi bộ, mà thôi, tui về chị Bảy ơi. Bỏ đi chị!
- Mèn ơi... sao mà... - bà Bảy líu lưỡi.
Đèn măng-xông lập lòe, ông Bảy ngồi cứng người khi nghe vợ kể. Hồi lâu sau, rít hơi thuốc, ông lên tiếng:
- Thôi, để mai tui xuống Long Hồ mời ông thầy lên.
Nói là làm, sáng hôm sau ông đánh xe đi sớm. Chừng nắng qua sào thì về tới. Ông thầy đi khắp nhà, xong ngồi chiêu ngụm trà, ông nhờ ông Bảy mua giấy hồng điều và một con gà trống, một thúng giấy tiền vàng mã. Người làm mua về tới, ông sai cắt cổ, lấy tiết gà để trong chén nhỏ, rồi thắp ba nén nhang, đốt ít giấy tiền vàng bạc rồi bưng thúng tiền âm phủ vừa đi vừa rải khắp nhà. Đoạn, quay về bàn, nhúng bút lông vào chén tiết đã hòa với rượu trắng, vẽ lên giấy điều những dòng loằng ngoằn. Ngậm rượu vào miệng, ông thầy phùn phèo phèo thấm vừa ướt lá bùa, xong gói vào tờ giấy vàng mã có phủ nhũ vàng, xong kêu ông Bảy dẫn lên sân thượng. Leo ba cái cầu thang đến nơi, ông thầy đứng bắt ấn, niệm lầm rầm, rồi sai ông Bảy bắc cái thang treo mảnh bùa trên nóc nhà ngay chỗ ông chỉ, rồi từ giã ra về, dặn nếu không yên thì cứ cho người đánh dây thép, ông sẽ tự lên và tìm cách khắc chế.
Miếng bùa treo lên, nhà yên ổn đôi chút. Nhưng không quá con trăng, ngay chỗ đó xuất hiện hiện tượng lạ. Ngay chính chỗ treo bùa kéo đườg vuông góc xuống sàn nhà, mấy miếng gạch bắt đầu nhô lên, tịnh không vết nứt, ngược lại còn phập phồng như bụng người đang thở. Có cái thằng người làm, ngày trước chuyên đi bốc mã kiếm tiền sống lay lắt qua ngày, được bà Bảy thương tình nhận làm chân súc chai. Thằng này trời đánh thánh vật, bán trời không mời thiên lôi. Nó hay kể chuyện ma hù tụi con gái trong nhà. Nó không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ thiếu tiền uống rượu hàng ngày. Bữa đó, bà Bảy gọi nó lại, cho ít tiền rồi bảo lên trên lầu xem xét. Nó lên nhìn quanh quất, có luồng gió lạnh thổi qua, nó rờn rợn dọc xương sống. Ma sợ nó, chứ nó đời nào sợ ma. Nó cầm theo cái nồi với cái chày, hơi lạnh người là nó gõ cái beng ầm ĩ cả nhà. Lò dò đi tới chỗ gạch bị mô lên, nó lấy chân khều khều, thấy mềm nhũn, nó nhảy lên nhún nhún mấy cái rồi vọt thẳng xuống nhà báo bà Bảy hay.
- Bà ơi bà, cái chỗ đó nó mô lên như đàn bà có chữa ba, bốn tháng. Mà mềm xèo, phập phồng như bụng người ta thở.
Bà Bảy toát mồ hôi lạnh. Phất tay kêu nó xuống làm việc. Đoạn đánh dây thép, mời ông thầy ngày mai lên coi lại miếng bùa. Càng lúc bà càng thấy không yên tâm. Lúc ông Bảy chọn miếng đất này, bà đã can. Ngày coi đất, bà đi chung mà người uể oải, trong lòng thấp thỏm không yên. Nhưng ông đã quyết thì bà không cách nào can ngăn, chỉ khuyên chồng nên cúng bái thật nhiều trước khi động thổ xây nhà.
Ngày hôm sau, ông thầy lên tới, cũng vừa lúc đó thằng Thọ chạy vào thưa:
- Bà ơi, thằng Chí nó gãy hai chân rồi.
Ông bà Bảy nhảy nhỏm:
- Trời, sao vậy?
- Dạ, nó đi nhậu đêm, không biết bị ai xô té mà gãy hết hai chân.
Ông bà nhìn nhau, rụng rời.
Ông thầy đốt nắm nhang, vừa đi vừa khấn, lên tới nơi xem xét cẩn thận rồi xuống bàn với ông Bảy.
- Ngộ hỏi cái lày, nị nói thật ngộ nghe, dồi ngộ mới giúp lị được.
- Dạ, thầy cứ nói.
- Cái nhà của nị, âm khí lặng lắm. Dới lại, hình như lúc nị xây nhà, bị ếm.
- Thầy nói cái gì? Bị ếm?
- Uh, ngộ hổng có nói chơi. Hồi nãy coi ở chển, cái chỗ nó bự lên là bị ếm, chứ hổng chỉ là ma đâu.
- Mà sao tự dưng...
- Ngộ nghĩ, chắc tại lúc nị cất cái nhà, cái thằng mà coi thợ đó, ló đòi nị cho thêm tiền mà nị hổng cho, nên nó ếm. Mấy cái lày thất đức lắm, hổng hiểu sao người ta lại làm.
- Thầy, thầy giúp dùm tui. Tui đội ơn thầy lắm.
- Thấy nị thiệt cái tình, ngộ cũng hổng có dấu. Cái bùa lày nó cao tay. Phải từ từ mới hết. Chứ kêu ngộ cho nó hết liền, ngộ hổng có làm được.
- Dạ, muôn sự nhờ thầy.
- Tối nay ngộ ở lại nhà nị. Nị đi mà chuẩn bị: một con gà trống, ba thúng giấy tiền vàng bạc, một mâm cơm cho nó đàng hoàng, nhang đèn đầy đủ, giấy hồng điều và một con chó mực. Nhớ chưa?
- Dạ nhớ, tui sai sấp nhỏ đi mua liền.
Hôm sau, vừa đúng ngọ, ông thầy bước tới bàn được bày biện sẵn đồ cúng, đốt một bó nhang, miệng lầm rầm khấn vái. Chén tiết gà hòa với rượu đế đặt cạnh cây bút lông và sấp giấy hồng điều. Ông thầy khấn tới đâu, giấy tiền vàng mã đốt phừng phừng tới đó. Còn hai thúng, ông thầy sai một thằng rải kín trước sân nhà, một thúng đi rải đều từ trên lầu xuống dưới đất. Đoạn, ông chấp bút, vẽ một lá bùa mới. Ngậm rượu đầy họng, ông phun phèo phèo lên đầu con chó mực, làm con chó hoảng hồn la ăng ẳng. Ông dùng que nhỏ bẻ từ cây tằm ăn, vẽ vời gì đó lên lưng con chó rồi kéo dây dẫn nó lên lầu. Cúng kiến gần một tiếng đồng hồ mới xong.
Ông dặn ông Bảy cột con chó trên đó, tới khi nào đất xẹp xuống bằng phẳng mới thôi. Tối đó, con chó sủa ầm ĩ cả đêm. Tiếng sủa rồi gầm gừ dữ dội như thể ai đang đứng trước mặt. Non con trăng, gạch xẹp xuống phân nữa, thôi phập phồng. Người làm trong nhà ít thấy hoặc nghe tiếng động lạ.
Nói về cô Hai Oanh, người gì đâu đã đẹp người lại còn đẹp luôn nết. Tuy là con nhà giàu, nhưng cô đối xử với kẻ ăn người ở không chút khinh khi, xem họ như người thân trong nhà, nên ai ai cũng quí. Cô còn giỏi nữ công gia chánh, đảm đương phần nấu những món mà ông bà Bảy thích ăn. Ông Bảy tuy ở quê nhưng đầu óc thông thoáng, từ lâu đã mời thầy dạy tiếng Tây tiếng U cho xấp nhỏ. Còn rước luôn thầy dạy piano, ghita và cả vĩ cầm. Tiền bạc tốn không kể xiết, nhưng chiều chiều ông bắt chéo chân, chiêu ngụm trà, gật gù theo tiếng đàn của đám nhỏ, có vẻ phởn chí và tự hào. Cô Hai có bổn phận hàng cuối tuần là vào bếp, mần cho ông cái bánh gan gà (bánh plan), rồi dạo đàn piano hát mấy bài tình ca tiếng Pháp cho ông nghe. Lần nào nghe xong ông cũng vỗ đùi đánh đét:
- Con tui là số một à nghen! Hổng có cái radô nào hát hay hơn cô Hai nhà này hết đó.
Tiếng lành đồn xa, kẻ mai người mối không ngơi tay. Năm nay cô Hai tròn trịa đôi mươi, ở quê tuổi này là tuổi yên bề gia thất, kiếm cháu chắt cho ông bà ẵm bồng. Ông Bảy làm ăn nhiều, tiếp xúc với cái hiện đại, nên ông thong thả cái việc gã chồng cho cô Hai Oanh. Con gái ông còn đó, tuổi xuân phơi phới, chạy đâu mà vội. Ông còn tính đường đâu cho cô Hai qua Pháp du học thời gian. Đi cho mở mang đầu óc, mở mặt mở mày với thiên hạ. Ông kiếm ra nhiều tiền, chứ chưa có cơ hội đi Tây bao giờ. Tiếng Pháp của cô Hai lúc này đã sõi lắm, nói lốp rốp, nghe đã con ráy. Ông bà Bảy tự hào về cô Hai quá xá quà xa.
Thỉnh thoảng bà Bảy cũng dọ ý con, coi con gái lớn có vừa mắt anh nào không thì ông bà xem xét gia cảnh rồi tính chuyện trăm năm cho hai đứa.
- Con nói má nghe, con có ưng thằng nào chưa? Nói để ba má biết mà liệu đường, chứ đừng có im im rồi mang cái bụng chửa, ba mày đánh chết nghe chưa?
- Dạ má, con còn nhỏ, chưa vội tính chuyện yêu đương, ba má đừng lo. Con biết nhà mình gia giáo, ba má lại có tên tuổi, con không dám làm điều gì tủi hổ gia phong.
- Ờ, bây biết vậy thì tốt. Chậc, nhìn con hai mươi má thấy má già. Thời gian trôi nhanh quá bây hen!
- Dạ, con luôn cầu Trời khấn Phật cho ba má sống đời với chị em tụi con.
- Tao với ba mày còn phải bồng thằng cháu nội đích tôn, rồi phải coi thằng Út yên bề gia thất. Còn lâu lắm, bây yên tâm đi.
- Ba má khỏe là con mừng.
Cái nhà dạo này coi bộ yên, tụi người làm cũng thẳng giấc mà ngủ tới sáng. Ông thầy quả thiệt cao tay ấn. Hết con trăng, chỗ bị phập phồng đã xẹp hẳn, không nhận ra dấu vết trước đây có điều kì lạ. Con chó được dẫn xuống nhà dưới để canh ăn trộm.
Ông thầy được mời lên lần nữa. Ổng tháo lá bùa xuống, trao cho ông Bảy quyển kinh thư, biểu treo vào ngay chỗ lá bùa trước kia, dù có thế nào cũng không được gỡ xuống.
Nhà ông Bảy yên, nhưng đâu nói là cái khu Đất Thánh Tây này đã yên. Sáng ông Bảy ra chợ sớm, ngồi quanh bàn cà phê, nhấm nháp ly bạc xỉu nóng với mấy ông già người Tàu. Đang xí xô xí xào, có thằng chạy xe lôi nó xáp vào tán chuyện. Cả bàn im lặng hóng hớt nghe.
- Mấy nị biết sao hông? Tối qua cái thằng bạn của ngộ, nó đạp xe về nhà vào ban đêm, đi ngang qua nhà của chú Bảy nè. Đâu chừng ngang được một khúc, ngay ngã tư đó, nó thấy người đàn bà ngoắc lại, kêu đạp về khúc Bắc Cổ Chiên. Mà cái đoạn đường đó mấy nị biết rồi, heo hút, tối thui nên thằng bạn của ngộ nó đâu có chịu chở. Cái người đó ra mặt âu sầu lắm, nói là lỡ đường mà nhà có con nhỏ, cần về gấp, nó chở đi rồi lấy mắc hơn chút bà đó cũng trả. Nó mậu lúi (hết tiền) cả ngày qua, nên nhắm mắt làm liều. Bả ngồi lên xe nó, nó cắm đầu cắm cổ đạp vì đường tối quá, mong mau tới nơi rồi quay về với vợ con. Ai dè đâu, chèn ơi, nó đạp đâu chừng mới được chút xíu, sao nó thấy xe nhẹ re hà. Nó lên tiếng hỏi: "Chị ơi, chút gần tới chị nói tui chạy chậm lại nghen, có gì mắc công quay lại lắm, đường tối tui hổng thấy đường rõ" - Có tiếng đáp: "Được rồi, anh cứ chạy đi, tới nơi tui nói mà". Nó lại cắm đầu đạp, mà sao cái xe nhẹ bâng. Nó ngoái đầu lại nhìn, nguyên cái bóng trắng nhìn nó nhe răng cười trắng nhởn rồi biến mất tiêu, xung quanh hông có ai hết ráo. Nó quăng luôn cái xe, lết lết đi không nổi, không biết lết làm sao mà té xuống cái mương, tới gần sáng có người đi ngang mới vớt lên. Nó sốt cả ngày nay, chưa biết sao đây. Thiệt là...
Ông Bảy nghe xong, lạnh hai bên xương sườn. Rõ ràng nắng chang chang thế mà người ông run lên từng chập. Chuyện gì chứ ba cái chuyện này, muốn không tin cũng không được.
Về nhà, thoáng thấy bóng ông, cô Hai bước lại thưa:
- Thưa ba, con xin phép về quê ngoại chơi vài ngày.
- Bây đi với ai đó?
- Dạ con đi một mình. Con nhớ ngoại nên muốn về thăm.
- Cũng được. Bây định đi mấy ngày?
- Dạ, chắc thứ hai con lên, để còn học chứ không nghỉ được.
- Ờ, để ba kêu thằng Tín nó đánh xe chở bây về Cái Nhum. Nói ba gởi lời thăm ngoại, dạo này ba bận quá không về thưa ngoại được. Lên chuẩn bị đồ rồi đi sớm, kẻo nắng rồi bệnh.
- Dạ, cám ơn ba.
Cô Hai lên lầu soạn đồ vào giỏ. Bà Bảy tranh thủ gởi ít tiền và bánh trái về cho má. Từ ngày bà lấy chồng, phụ chồng gầy dựng sự nghiệp, bà hiếm có thời gian về thăm.
Cô Hai đi rồi, ông lấy chiếc Vespa chạy lại nhà người chị gần khu miếu Bảy Bà. Chạy ngang qua cây đa trăm tuổi, rễ phụ buông xuống đặc kín như tấm màn, câu chuyện ma ban sáng hiện về rõ mồn một trong óc, ông nhấn ga chạy nhanh.
Cái cây đa này, nghe đồn có nhiều lắm. Có cái người bán hột vịt lộn, bán ế nên ráng, ai ngờ khi về trời đã khuya. Đi ngang qua góc này, chị ta sợ trong lòng nên vội bước cho nhanh. Qua cây đa chừng chục bước, thấy cái nhà đèn dầu le lói, có bóng người đứng trước sân đưa tay ngoắc ngoắc. Còn chừng chục trứng trong thúng, nên thấy người ngoắc, chị mừng rỡ đi nhanh tới. Người đưa tay ngoắc chị là người con gái, nhìn trẻ măng, ra dáng nhà giàu:
- Chị còn nhiêu trứng đó?
- Dạ, để tui đếm. Còn tám trứng đó cô, cô mua nhiêu?
- Thôi, tui lấy hết. Nhà nhiều người, tám trứng có khi không đủ.
- Mèn ơi, tui cũng vừa bán đây thôi hà. Thôi cô lấy đỡ nghen, nãy giờ tui rầu quá, trời mưa ít người mua.
- Tiền đây. Lần sau có đi ngang tôi sẽ mua giúp.
Chị ta cầm mấy tờ bạc, đếm lại kĩ càng rồi bỏ túi, rảo bước lẹ về nhà. Sáng hôm sau chị đi chợ sớm để mua trứng cho buổi tối nay. Ra tới chợ, cân xong mớ trứng, móc tiền trong túi ra thì bạc âm phủ lả tả rơi. Mặt xanh lè, tái mét, chị lắp bắp nói với bà bán trứng:
- Tui... tui gặp ma!
Bà bán trứng chưng hửng, định chửi cho một trận vì sáng sớm mở hàng đã nói năng linh tinh. Nhưng nhìn mặt chị ta không còn giọt máu, thấy thương tình kêu ngồi xuống, rót ly trà nóng rồi kêu kể đầu đuôi. Nghe xong bà bán trứng vỗ tay cái chát:
- Chết chị rồi. Cái khúc đó đâu có cái nhà nào. Lúc trước có cái ông gì ở đó, từ lúc con ổng chết ổng dọn nhà đi lâu lắm rồi chị ơi! Mai mốt đi bán đừng có về ngang khu đó nữa, coi chừng đó!
Chị này có vẻ bán tín bán nghi, tuy rụng rời tay chân vì xấp bạc âm phủ, nhưng chị nghĩ trong lòng chắc ông chồng lại lén tráo tiền để đi uống rượu. Chị về rủ vài thằng trong xóm quay lại chỗ hồi tối chị gặp cô gái. Ban ngày ban mặt thì ma nào dám nhát. Cả đám rầm rộ kéo đi, tới nơi, rõ ràng có cái nhà, nhưng tiêu điều lắm. Một thằng làm gan, lấy chân đạp cửa, nhà bỏ hoang nên cửa đạp mạnh bong bản lề bật vào trong. Cả nhóm hùng hổ bước vào, không gian lành lạnh và ngộp mùi ẩm mốc, tấm hình cô gái trên bàn thờ chăm chăm nhìn xuống làm cả đám rụng rời, mồ hôi tuôn ra như tắm. Chị ta ngất xỉu khi nhìn thấy rõ ràng trên bàn thờ tám trứng hột vịt nằm rành rành trong bịch nilon, còn có gói rau râm và bịch muối tiêu đặt kế bên. Nghe đâu chị bệnh mê man cả tuần mới tỉnh.
---
Cô Hai về quê đúng dịp trăng tròn. Mùa trăng tròn dưới quê vui lắm. Đêm đêm gái trai ra bờ đê, nhân đêm trăng sáng mà tát gàu sòng để tưới cho vụ lúa đang vào mùa ngậm sữa. Tiếng hò lay động cả mảnh trăng khuya.
Cô Hai ở thị xã đã sắc nước hương trời, thì về quê lại càng trở nên "giai nhân tuyệt sắc". Thật ra, so với thôn nữ thì kẻ tám lạng người nữa cân. Nhưng cô Hai con nhà giàu có, gấm vóc phủ kín người, mà ông cha ta có câu: "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân" - sắc đẹp nhờ lụa, vàng, kim cương càng rạng ngời gấp bội phần.
Tuy sinh ra ở thành thị nhưng cô Hai thích cái lối sống mộc mạc ở quê. Cô thích theo mấy em nhỏ đi câu cá, hái trái cây. Nhất là trái bình bát, dầm với đường ăn chua chua ngọt ngọt, mát dịu cổ họng giữa trưa hè nắng gắt. Ngoại móm mém cười:
- Mẹ cha bây, ăn cao lương mỹ vị riết ngán hả con? Mấy cái trái dại này mà nhìn bây ăn ngon lành ghê chưa.
- Dạ, cái này ở trển ba má hông cho con ăn. Ba má nói nho táo đầy bàn sao không ăn mà đòi ăn thứ này. Con bị la hoài.
- Cái tụi... giàu có rồi quê gốc gác hà. Hồi má mày còn trẻ, nó lén tao chui lùm hái bình bát hoài chứ đâu. Thôi, ăn ít ít coi chừng đau bụng. Chiều nay ngoại nấu cho con nồi canh riêu cua, ăn với tép rang, chịu không?
- Thích quá ngoại ơi. Phải chi con không bận học, con về đây hoài với ngoại.
- Má mày trước kia cũng nói vậy. Nó có chồng, nó quên tao luôn.
- Dạ...
Cô Hai thích ngồi võng đong đưa dưới gốc dừa. Những cây dừa cao vút, lá xanh rợp, tỏa bóng mát cả khúc sông quê. Cô ngồi đó lắng nghe trong gió mùi thanh thanh của hoa lục bình, mùi hăng hắc của phù sa mỗi khi con nước lớn ròng. Cô yêu cái quê mùa nhưng chất phác của người dân nơi đây. Mùi khói lam chiều quyện vào ánh hoàng hôn gieo vào lòng cô gái mới lớn nỗi niềm khó tả.
Cô Hai về đây được mấy anh cưng lắm. Nhằm bữa trời mưa, cóc nhảy lên bờ để động đực, mấy anh cầm đèn soi cóc rồi nấu nồi cháo thiệt ngon để đãi. Không thì đào mấy củ khoai ngoài vườn, moi bùn ướt bọc thật kín rồi vùi xuống đất, đốt lửa lên trên. Lửa vừa tàn, bùn khô, nứt ra thì khoai vừa chín, nóng bỏng tay, vừa cầm vừa thảy qua thảy lại giữa hai tay cho nguội bớt rồi lột vỏ, ăn vừa thơm vừa ngọt vừa bùi. Những cái đó níu chân, làm cô Hai luyến tiếc mỗi khi xe về rước cô lên lại thị xã.
Sáng nay cùng ngoại ăn xong chén cơm, mấy chị trước nhà kêu ơi ới, rủ cô Hai đi câu cá. Đúng là sông quê, buông câu chừng năm mười phút, cần đã rung tưng tưng. Giật mạnh lên không cá lóc thì cá trê, hoặc cá rô, còn nào con nấy béo ú, nhìn thòm thèm. Mấy chị thích rủ cô Hai đi câu cá lắm, vì họ nói cô Hai nhẹ vía, mà lần nào có cô Hai đi chung cá cũng tranh nhau cắn câu, nặng trịch cái giỏ tre. Họ biết cô Hai quen ăn trắng mặc trơn, chưa từng dãi nắng dầm mưa, nên rủ đi theo thế nào cũng người xách nón người xách dù, có kẻ mang cả cái ghế tẹo teo cho cô ngồi đỡ mỏi. Da mặt cô Hai trắng hồng trong nắng sớm, mấy anh cứ kiếm cớ chài lưới để đậu ghe gần xung quanh, len lén ngắm nhìn. Ngồi đâu chừng nắng gần lên giữa ngọn cây, mấy chị đếm lại số cá rồi xếp cần câu chuẩn bị đi về, họ sợ cô Hai bị trúng nắng. Vừa xếp xong cần câu, chợt nghe khúc đầu sông nhao nhao. Tò mò, cô Hai cũng chạy theo để coi. Thì ra có người chết đuối, xác trôi dạt vào bờ.
Người ta chen chân đông lắm, vừa coi vừa chỉ trỏ bàn tán. Người chết là cô gái còn trẻ, chắc vừa chết đây thôi nên xác còn khá nguyên vẹn. Theo lời xì xào xung quanh thì hình như nạn nhân ở xóm trên, chắc đi đêm trượt chân ngã xuống sông không ai hay. Ở xóm trên có cái đoạn đường vừa nhỏ lại vừa trơn, một bên ruộng lúa, một bên con sông, ban đêm thì tối hù hù. May mắn trượt chân vào ruộng lúa thì trặc tay trặc chân vài bữa hết. Còn rớt qua mé con sông, nếu bữa nào nước chảy xiết về chầu ông bà là chắc chắn. Cô Hai sợ nên đứng mé ngoài, không dám chen lấn vào coi. Ba má có dặn thấy mấy cái này là phải tránh cho xa, kẻo ôm họa vào người không hay. Mấy bà chị nhốn nháo chưa chịu đi về. Cô Hai lớ ngớ sao mà bị người ta chạy ngang, đụng mạnh vào người làm cô loạng choạng ngã vào đám đông. Hên là mấy người xung quanh đỡ kịp, chứ không dám ôm xác chết như chơi à. Đứng vững lại trên đôi guốc mộc, cô Hai hết hồn thấy mình đứng cạnh xác chết từ lúc nào. Hoảng vía, cô nhảy vội ra, chân cô vừa nhấc, những dòng máu tươi phụt trào qua khóe mắt, mũi và miệng của kẻ xấu số. Đám đông bàng hoàng, vội thắp nhang xá lia lịa. Họ đưa cô Hai một bó, kêu xá thành tâm, chứ điệu này coi bộ hổng hên.
Cô Hai tinh thần bấn loạn. Trước giờ bao bọc trong nhung gấm, có bao giờ cô chứng kiến mấy chuyện ghê rợn này đâu. Về nhà, ngoại hoảng hồn khi thấy mặt đứa cháu gái cưng không còn miếng máu. Gặn hỏi, nghe xong ngoại la ỏm tỏi:
- Đứa nào? Đứa nào dẫn con Hai đi coi mấy cái dơ bẩn đó? Đứa nào ra tao biểu.
Mấy bà chị líu ríu đứng xếp hàng.
- Ai, ai cho tụi bây dẫn nó đi coi? Tại sao không dẫn nó về nhà mà cho nó đứng xớ rớ đó giờ hồn vía đi mất rồi đây nè.
- Con xin lỗi ngoại. Tụi con đâu có biết.
- Bây đi rước ông Tư qua cho tao coi. Trả nó về mà nó như vầy, ba má nó giết tụi bây, con gái cưng của tụi nó đó.
Bà này kéo bà kia, chân thấp chân cao chèo xuồng rước ông Tư. Ông Tư qua, nghe xong chuyện, vội đến thắp nhang ở bàn thờ rồi đưa tay bấm độn. Mặt ông Tư tái dần.
- Anh Tư, nói tui nghe lẹ coi. Có chuyện gì với con cháu của tui đó?
- Chị Mười, theo tui bấm độn, cái việc người chết hộc máu ra như vậy là không tốt rồi chị Mười ơi. Con Hai đứng kế bên không sao, mà bước đi máu trào lênh láng coi chừng...
- Coi chừng gì? - ngoại run run.
- Coi chừng bị theo.
- Trời ơi!
Ngoại đứng ngay dậy, lọm cọm lại bàn thờ đốt bó nhang thật to, miệng lầm rầm khấn vái:
- Ông bà tổ tiên xin phù hộ cho cháu của con. Phù hộ cho nó bình an, không có tà ma quấy quá. Xin ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ linh thiêng phù hộ.
Ông Tư sắc thang thuốc định thần cho cô Hai uống, nằm nghỉ tới xế chiều thì thần sắc trở lại bình thường. Ngoại lo lắng, sờ trán rồi bóp tay bóp chân:
- Con thấy sao rồi?
- Dạ không sao. Chắc tại hoảng quá nên con mệt. Ngoại đừng lo.
- Mai mày về với tía má, mà có chuyện gì chắc tụi nó giữ mày luôn không cho mày về với ngoại nữa.
- Dạ, không có đâu. Con thương ngoại lắm, khi nào rảnh con về với ngoại liền mà.
- Tía má bây mà biết về đây gặp mấy cái này, đời nào nó cho về nữa.
- Vậy con không nói, sao ba má biết. Ngoại đừng lo, con dấu kín lắm. Con không nói, ngoại không nói không ai biết đâu.
- Nhưng...
- Ngoại đừng nghĩ nhiều. Giữ sức khỏe mà sống lâu với tụi con. Để còn nấu canh riêu cua với tép rang cho con ăn nữa.
- Tổ cha bây. Ham ăn ghê chưa.
- Ngoại nấu ngon mà. Con thương ngoại nhất.
Nhìn cô Hai sởn sơ đi đứng, ngoại cũng bớt lo. Ngày mai cô Hai về lại thị xã, có chuyện gì chắc ngoại rầu lắm. Ở miệt này trời sụp tối sớm. 7giờ tối đã không nhìn thấy mặt người. Hai bà cháu vào mùng nằm. Cái sập gụ của ngoại đặt cạnh cửa sổ, không cần chiếu manh, nằm mát rượi cả lưng. Trăng 16 vẫn còn tròn, sáng vằng vặc cả góc sân lót gạch tàu đỏ au. Soi luôn cả góc sập nơi bà cháu nằm ngủ. Ngoại phe phẩy quạt mo cau, cô Hai lim dim rồi thiếp đi lúc nào không hay. Chừng quá nữa đêm, cô bỗng dưng giật mình tỉnh dậy, không hiểu vì sao. Nằm trằn trọc hoài không ngủ được, cô đưa mắt nhìn xung quanh. Cây đèn dầu hết tim đã tắt từ đầu hôm, căn nhà ba gian chìm trong bóng tối, chỉ có trăng bàng bạc ngoài sân. Cô Hai trở mình, ánh mắt vô tình đưa ngay bộ ván đặt mé sân. Tim cô đánh thót, rõ ràng bóng một người con gái ngồi xõa tóc ngay góc ngoài bộ ván. Bóng trắng hiện rõ gương mặt người con gái xấu số cô vừa thắp nhang ban sáng. Cổ họng cô rát bỏng, khô khốc, mồ hôi túa ướt đẫm lưng, tim đập loạn nhịp tưởng chừng rớt ra ngoài. Đêm nay gió lớn, những tàu lá dừa khua vào nhau xào xạc. Tàn cây trong vườn kẽo kẹt như tiếng ai đang cười nói giữa đêm thanh vắng. Cô Hai lay tay ngoại, ngoại ú ớ giật mình, bỗng dưng gió ngừng, không gian trở nên im ắng vô cùng, bóng trắng ngoài sân cũng biến mất, chỉ còn tiếng vạc lẻ loi gọi bầy giữa canh thâu.
Xe xuống rước cô Hai từ sớm. Coi bộ ông bà Bảy nhớ tiếng đàn tiếng hát của cô con gái cưng lắm rồi. Ông bà chuyển lời mời ngoại lên chơi, ngoại ngấm nghĩ chuyện hôm qua, rồi vào thu xếp vài bộ đồ theo xe lên cùng. Ngoại muốn ở với cô Hai vài ngày xem cô Hai có thật sự ổn, xong rồi ngoại mới về lại quê.
Ông bà Bảy thấy má lên thì mừng lắm, sai người làm nấu đủ món thịnh soạn. Ngoại sum họp với con cháu nên ra chiều vui vẻ, cười nói móm mém.
Đang ngồi ăn la-sét (tráng miệng), bà Bảy sực nhớ điều gì, chép miệng nói với ngoại:
- Má, má nhớ cái tủ má cho con lúc mới lấy chồng hông?
- Gì đó? Cái tủ đó tao nhờ thợ giỏi nhất dưới quê đóng đó nghen. Tặng bây coi vậy mà hai chục năm hơn rồi hen.
- Đúng, cái tủ đó đó má. Trước giờ con để dưới gác lửng không xài. Hôm trước anh Bảy có ít giấy tờ cần đem cất nên nhờ tụi người làm mang lên đặt trong phòng tụi con. Mà má biết sao hông? - mặt bà Bảy đăm chiêu.
- Gì? Bây nói gì nói lẹ, úp úp mở mở mệt tao ghê.
- Nói này má đừng la. Đem lên phòng mấy đêm nay, đêm nào cứ giữa khuya là nghe tiếng động trong cái tủ. Mới đầu con tưởng con nghe nhầm, nhưng hai đêm qua anh Bảy cũng thức, nghe rõ ràng má ơi!
- Bây có ngủ mớ không? Mà tiếng gì mới được?
- Nghe rõ ràng tiếng móng tay cào trong tủ đó má. Cào sột sột, giống như móng tay dài lắm. Rồi mấy cái hộp thiếc đặt trong tủ, nghe rổn rảng.
- Chết!
- Gì vậy má?
- Bây để cái tủ ở đâu? Tao lên tao coi. Đi lên với tao.
Cả nhà quính quáng theo chân bà ngoại lên phòng, chỗ đặt tủ. Cái tủ be bé, bề ngang chừng 1 thước, cao chừng thước rưỡi, sâu chừng bảy chục phân. Phía trên có ngăn kéo nhỏ, phía dưới là ngăn tủ rộng, có cánh cửa sập vào. Ngoại kêu ông Bảy gỡ cái ngăn kéo, lấy hết đồ bỏ ra ngoài, ngoài lần lần tay theo cái mép gỗ, đôi mắt mờ đục nheo khít cố nhìn cho rõ. Không thấy gì, ngoại bảo lấy hết đồ ở ngăn dưới, rồi kêu soi đèn pin, khom đầu vào trong. Xem xét lâu lắm, ngoại đưa tay cho bà Bảy đỡ ngồi lên giường rồi thở dài đánh thượt:
- Thằng Bảy, mày ngó cho tao coi, phải góc phía trên, ở trong, bên trái có dấu máu phải không?
Ông Bảy lẹ làng khom đầu vào nhìn.
- Dạ, đúng đó má. Dấu mờ mờ, má không nói con cũng không để ý.
- Cái thằng đóng tủ nó chơi bùa. Hèn chi... - ngoại chép miệng.
- Bùa? Má nói gì vậy má?
- Tao nhớ rõ lắm, nó xin tao thêm vài hào công đóng tủ, tao không còn tiền nên không cho, ai ngờ nó có trò này. Dân thợ mộc có nhiều nghề riêng lắm con à, nhiều khi nó chỉ cần cứa đứt ngón tay cái cho chảy máu rồi ịn lên món đồ, là cái món đồ đó bị ếm rồi, bây hiểu chưa?
- Sao giờ má?
- Cũng không sao. Xài tiếp cũng được. Không xài thì mang ra đốt.
Ông Bảy vội vội vàng vàng gom hết giấy tờ bỏ tủ quần áo rồi sai mấy thằng trong nhà đem xuống sau hè, xa xa nhà châm xăng đốt. Nói gì chứ, ông tin và sợ mấy chuyện này lắm. "Có kiêng có lành" - ông bà già xưa nói cấm có sai.
Ngoại lên chơi 3 ngày, thấy cô Hai không có gì lạ, nên khăng khăng đòi về quê, con cháu năn nỉ thế nào cũng không được.
- Tụi bây cho tao về, tao nhớ nhà quá rồi.
- Má chơi thêm vài ngày, về chi gấp.
- Thôi. Bàn thờ dưới quê lạnh tanh lạnh ngắt, tao đi không ai hương khói. Tao sống ở đâu quen đó. Bây có lòng tao cũng hiểu. Nhưng nhà cao cửa rộng, tao leo lên leo xuống mệt quá xá.
- Dạ. Tụi con cũng không dám cãi. Thôi má ở chơi với mấy đứa cháu thêm ngày nay, mai anh Bảy đánh xe đưa má về sớm.
- Chèn ơi, tao tưởng chiều nay tao được về.
Ngoại về được nữa tháng, ông Bảy rước hai cụ thân sinh của ông ở dưới Long Hồ lên để phụng dưỡng. Ông bà nội của cô Hai Oanh tuổi đã ngoài bảy mươi, nhưng nhìn còn khỏe mạnh, phốp pháp. Dạo này bà nội hơi yếu, nên ông Bảy muốn tự tay bưng cơm rót nước hầu hạ cha mẹ tuổi về chiều. Thời gian thì đâu đợi ai, cái Hiếu Để của ông Bảy chưa kịp ghi nhận, cơm hầu nước hạ chưa tròn năm, bà nhắm mắt xuôi tay. Cô Hai thương đều hai bên nội ngoại, huống chi sống với nội gần cả năm nay, tình cảm quyến luyến sâu đậm. Ngày bà nhắm mắt, cô khóc lóc vật vã bên giường, xỉu lên xỉu xuống mấy lần. Đám người làm thay nhau xốc nách cô dậy, đỡ lên lầu nằm nghỉ.
Ông Bảy dân làm ăn có tiếng ở thị xã này, thêm phần ông cụ thân sinh xưa kia cũng có chút chức sắc, nên người kéo đến phúng điếu đông nườm nượp, chen kín nhà không còn chỗ trống. Nhang khói mịt trời, kèn trống ầm ĩ. Kèn Tây, kèn Ta thi nhau ò e rộn ràng, con nít bu đông nghẹt. Ngoài cô Hai, cô Ba vừa đủ lớn để hiểu sự mất mát, thì cô Tư, cậu Năm và cậu Út còn nhỏ dại, đầu chít khăn trắng quì bên xác bà nội mà tưởng người lớn đang chơi nhà chòi. Cặp mắt tròn xoe, ngơ ngác của ba cô cậu, cộng thêm tiếng khóc nức nở, thê lương, vật vã của cô Hai khiến mấy người đến thắp nhang đều không cầm được nước mắt.
Phải nói, đám ma của bà bự nhất thị xã. Đội kèn ò e không nghỉ suốt ngày lẫn đêm, ngoại trừ lúc thầy tu làm lễ. Con cháu khắp nơi tụ về, chít khăn tang trắng xóa tràn cả ra sân. Người chép miệng xót thương không ít, người tặc lưỡi ganh tị cái giàu có của hãng rượu Thái Hòa cũng rất nhiều. Ông thầy tu lật sách Tàu coi ngày giờ mất của cụ bà, rồi bấm đốt tay lầm bầm tính toán. Xong, ông ngoắc ông Bảy lại gần bàn chuyện chôn cất.
- Chú Bảy, cụ mất ngày xấu lắm. Chú bình tĩnh, theo cái sách này nó nói, rồi dựa trên ngày giờ nhắm mắt của cụ, nhằm ngay cung Tam Nương.
- Tam Nương là sao thầy?
- Nghĩa là... cụ nằm xuống rồi, còn phải kéo theo hai người trong gia đình nữa. - ông thầy tu thở dài.
- Mèn ơi... ý... ý thầy... ý thầy là... - hai quai hàm ông Bảy cứng đơ, mắt trợn tròn. Cái tin dữ như sét đánh ngang tai.
- Thì... thần Trùng bước vào nhà rồi chú Bảy ơi. Cụ mất ngày giờ xấu quá, tui bấm tay hoài mà không tính ra được cái giờ hạ huyệt đây nè, giờ nào cũng không được hết ráo, khổ quá trời quá đất hà!
- Thầy... giờ... giờ sao thầy?
- Nói thiệt với chú, tui làm cái nghiệp thầy cúng, thầy tụng này gần mười năm rồi, mà lần đầu tiên tui thấy cái giờ giấc nó xấu quá xá. Bóp đầu bóp trán mà tui không tính được cái giờ khâm liệm cụ, nói sao tới hạ huyệt giờ chú Bảy?
- Thầy ráng giúp dùm gia đình tui, bao nhiêu tui cũng xin đền ơn thầy.
- Tui giúp là giúp làm phúc, chứ tiền bạc gì ở đây.
Cái đám tang của cụ bà kéo dài lê thê. Tiền âm phủ cháy phừng phừng, mà tiền của người sống cũng tuôn nhiều không kể xiết. Tiền rượu thịt đãi người đến viếng, tiền thuê dàn kèn Tây, tiền nhang khói... ôi là đủ thứ tiền! Nói thì nói cho trót, cái tốn tiền nhất là tiền trầm hương và nước đá. Thôi thì, "nghĩa tử là nghĩa tận", với lại, không có giờ tốt để khâm liệm, nên ông Bảy tốn bộn bạc tính lên hàng trăm để mua nước đá bỏ bao tấn xung quanh giường chỗ xác cụ bà, rồi trầm hương thượng hạng cứ đốt không ngơi tay. Mảnh này vừa tàn lập tức có người lại thay mảnh khác. Để đâu gần tròn tuần, mới có được giờ đưa cụ vào tấm áo quan.
Ngày đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng, dân thị xã được phen hoa mắt vì người. Người đâu mà hàng hàng lớp lớp. Ông Bảy cầm tấm hình đi trước, đoàn người chầm chậm cất bước tiến về phía nghĩa trang, từ nhà ông tới nghĩa trang đi bộ dễ chừng bốn chục phút. Giấy tiền vàng bạc rải trắng hai bên vệ đường. Người đi đưa nhiều không kể xiết, dân chúng đi coi ngày hôm đó chỉ kịp nhớ là khi ông Bảy vào tới huyệt rồi, mà hàng người cuối cùng chỉ mới cách nhà chừng 100 mét. Cả thị xã được dịp nhốn nháo bàn tán suốt mấy ngày. Lúc hạ huyệt, quan tài từ từ đưa xuống hố sâu, bốn người làm thay nhau giữ tay chân của cô Hai, cô cứ quằn quại chực lao xuống ôm lấy áo quan, miệng không ngớt gọi: "Nội ơi!"
Ông thầy ổng dặn là chôn cất xong, đúng 5 năm sau mới được làm nhà mồ, cãi lời thì họa lớn khôn lường.
Đám tang qua đi, không khí trong nhà buồn ảm đạm. Cô Hai Oanh không thiết ăn ngủ, nằm bẹp trên giường, nước mắt hai hàng. Nhan sắc cô ngày càng tiều tụy. Cô Hai bỏ ăn chừng bốn ngày, thần sắc xanh xao, hơi thở yếu ớt, ông bà Bảy hoảng hồn vía vội sai người đi mua một cân tổ yến về chưng đường phèn, cạy họng đút cho cô uống. Bà Bảy bơ phờ ngồi bên giường con gái, chép miệng thở dài. Một tiếng đồng hồ, bà lại kêu người làm bưng chén tổ yến lên một lần, bà kiên nhẫn mớm cho cô Hai từng muỗng nhỏ. Nhà bếp đỏ lửa cả ngày dài, để có cần gì lập tức mang lên ngay cho cô Hai ăn.
Cụ ông yếu hẳn từ ngày cụ bà mất đi. Dân gian có câu: "Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi", huống hồ gì tình sâu nghĩa nặng mấy chục năm. Nay bà đi rồi, ông lặng lẽ ra vào như chiếc bóng. Sáng sáng ông cẩn thận quét dọn, thay nước bàn thờ của bà, rồi run run đưa đôi tay nhăn nheo thắp ba nén nhang. Dòng nước mắt mờ đục chảy dọc theo nếp nhăn trên gương mặt. Dọn dẹp sạch sẽ, thay nước gọn gàng, ông bắt cái ghế xếp nằm kế bên bàn thờ, mắt đăm đăm nhìn di ảnh. Trưa, ông không lên bàn ăn cùng con cháu, mà vào bếp tự tay xới chén cơm, gắp miếng đồ ăn, cắm chiếc đũa vào, đặt lên bàn thờ đốt mấy cây nhang. Ông sai kê cái bàn nhỏ kế bên, để cơm lưng chén, dĩa nhỏ đồ ăn với bình trà nóng, ông ngồi ăn chậm rãi, thỉnh thoảng ngước nhìn hình cụ bà, như ngày nào bà còn kế bên dịu dàng rót cho ông ly trà tráng miệng.
Ông Bảy lo lắm. Nhìn tình hình cụ ông, nhắm không lâu dài. Ông đánh dây thép lên Sài Gòn, đặt mấy cân sâm Cao Ly và lộc nhung, để ngày ngày xắt vài lát mỏng cho cụ tẩm bổ.
Về phần cô Hai, nhờ công bà Bảy ngày đêm chăm bón, dần dần phục hồi sức khỏe. Gương mặt từ từ hồng hào, lấy lại nhan sắc như ngày xưa. Tuy nhiên, nỗi nhớ thương bà vẫn khôn nguôi trong dạ. Dạo này, bà Bảy cho người canh cô Hai kĩ lắm, hễ xểnh ra là cô chạy vào nghĩa trang thăm mộ bà nội, ngồi đó khóc thương hàng giờ. Ngày đầu cả nhà không biết, nhốn nháo đi tìm. Tới chừng có người nói chạy thử trỏng coi có gặp không, thì y như rằng, cô Hai đang ngồi bệt bên ngôi mộ mới đắp, nước mắt lả chả tuôn rơi. Mới có lần đầu, ai cũng nghĩ cô Hai đi một lần vì nhớ bà quá, ai ngờ đâu mấy hôm sau, cô Hai trốn đi tiếp, cả nhà thêm phen quính quáng. Mà ác nỗi, cô Hai đi toàn giờ linh. Cái giờ mà người ta nói mặt trời đúng ngọ, 12 giờ trưa nắng chang chang mà cổ ra nghĩa địa cổ ngồi, coi ác thần ôn chưa? Giờ đó người ta đóng cửa đi nghỉ trưa, mà hiếm ai dám ra đường, sợ trúng nắng, với lại họ nói giờ đó âm binh cô hồn lang thang nhiều lắm, lạng quạng bị nhập như chơi. Chỉ có cô Hai Oanh của nhà Thái Hòa lại chọn giờ độc địa đó mà đi khóc than cụ bà quá cố.
Ông bà Bảy canh cô Hai kĩ còn hơn canh hũ vàng. Sau cái lần trốn đi đó, cô Hai Oanh bị nhốt tiệt trong nhà, nhưng bỗng dưng có biểu hiện lạ lạ. Trước giờ cô Hai nào thích ăn diện se sua, vậy mà giờ cô đòi bà Bảy mua son mua phấn, mà phải son đỏ chói mới chịu à nghen. Nào giờ cô Hai chỉ thích bà ba phi bóng màu trắng hoặc mỡ gà, nay cô đòi rước thợ về nhà, mua liền mấy xấp vải màu đỏ, màu vàng, màu cam. Ông bà Bảy nghĩ cô tới tuổi chưng diện nên cũng chìu. Chèn ơi, son phấn mua rồi, quần áo may rồi, kể từ đó cứ mười hai giờ trưa, không cần biết đang làm gì, cô Hai cũng xăm xăm lên lầu, thay bộ đồ đỏ, mặc quần vàng chói lọi. Ngồi trước kiếng tỉ mỉ kẻ mắt thoa son, xong rồi xuống nhà ngồi cười cười nói nói. Đợt này người ta đặt rượu nhiều, ông bà Bảy như con thoi ra vào quán xuyến không có thời gian để ý con cái. Tới bữa kia, mới ăn cơm xong, bà vú em của cô Hai khẽ khàng lại thưa với bà Bảy:
- Thưa bà, dạo này cô Hai...
- Cô Hai sao? Nó bỏ ăn nữa à?
- Dạ. Cô Hai ăn nhiều, mà... mà... giành ăn với mấy cô cậu nhỏ nữa mới...
- Gì? Con này nó đổi tính sao? Tự dưng ăn hiếp mấy đứa kia?
- Dạ. Hôm trước cậu Năm đang ngồi ăn nho, tự dưng cô Hai lại giật hết nguyên rổ rồi vừa ăn vừa cười khanh khách. Ghê lắm bà ơi!
- Nói năng cẩn thận. Con tui con nhà gia giáo đàng hoàng, chị nói vậy người ta nghe rồi nói nó bịnh hoạn, tội nó.
- Bà, bà không tin thì đợi chút, dạo này đúng giữa trưa, cô Hai biểu hiện kì lắm. Còn chừng mười lăm phút nữa, bà đợi coi thử đi. Mấy rày bà với ông vắng nhà miết, ai cũng sợ mà không dám thưa.
- Để coi.
Mười hai giờ trưa.
Cô Hai đang ngồi lắc lư trên võng, bỗng dưng đứng bật dậy, hùng hổ đi thay đồ, trang điểm. Bà Bảy núp sau cái tủ che giữa nhà trước với phía sau, chăm chú theo dõi. Lạ, đúng là khác lạ. Con bà đời nào như thế. Trước giờ nó ăn mặc nho nhã, trang điểm nhẹ nhàng. Giờ thì nhìn chẳng khác ông đồng bà bóng. Còn ngồi đó làm xàm như mắc đàng dưới. Cậu Năm ở đâu bỗng dưng đi tới, trên tay đang cầm trái táo, mặt mày hí hửng định kiếm má để khoe. Mới đi ngang chỗ cô Hai, cô Hai đưa tay giật mất. Cậu khóc tức tưởi, đưa tay xin lại, cô Hai trợn tròn mắt nhìn thấy toàn tròng trắng, liếc cậu Năm:
- ĐI! Ai cho mày ăn. Đi, của tao nghe chưa? Tao đói, tao ăn. Nghe chưa, đi! - rồi bật cười lanh lảnh.
Bà Bảy chứng kiến từ đầu tới đuôi, da gà nổi toàn thân, thiếu điều nghẹt thở.
Qua ngọ hơn nữa tiếng, cả người cô Hai lả dần, gục mặt xuống bàn. Bà vú em vội vội vàng vàng đỡ cô lên phòng, nhúng khăn lau mặt rồi thay bộ đồ. Đám người làm trong nhà mặt mày xám ngoét, lúp ló sau bếp hóng chuyện nãy giờ. Bà Bảy quay qua trừng mắt, tụi nó nhanh chân lẻn mất.
Sáng hôm sau, bà Bảy kêu cô Hai dậy sớm để đi chợ với bà. Bà mua bông huệ trắng, trái cây, lễ lộc đàng hoàng rồi ngoắc xe lôi đi xuống chùa ở cầu Thiền Đức. Ngôi chùa này độc vị sư trù trì đã lớn tuổi, nổi tiếng cả thị xã vì đạo hạnh thâm sâu. Chùa nhỏ, vẻ cổ kính. Những cây cột to, đen bóng tạo vẻ uy nghi. Bức tượng Phật Tổ mạ vàng thật to đặt ngay hướng nhìn ra cửa chính. Trên thân tượng lem nhem ám khói và ánh rõ màu thời gian. Bà Bảy kêu cô Hai xuống bếp sắp trái cây với chưng bông đem lên bàn thờ, bà ngồi thưa chuyện với sư trụ trì ở chánh điện.
Cô Hai sắp hoa quả lên bàn thờ xong xuôi mới bước tới lấy nhang định thắp lên bàn Phật, bỗng dưng cả người sợ hãi, run bần bật. Cô cố gắng lê từng bước xuống ngồi kế, nắm tay bà Bảy. Nhìn con gái mặt mày xanh lè, bà Bảy hoảng hốt tưởng cô Hai trúng gió:
- Con sao vậy Hai?
- Má... con sợ quá má. Trên kia có cái gì, con sợ quá má ơi.
- Trên kia là trên đâu? Cái gì là cái gì? Bây nói cho rõ coi.
- Có... có...
Vị sư già nhíu mày, xong đứng dậy, nói:
- Cô và cháu lên đây theo tôi.
Trước Phật Tổ, sư trụ trì thắp nến hai bên và ba nén nhang to, gõ chuông ba tiếng, bắt ấn niệm kinh. Cô Hai lúc này lộ rõ nét sợ hãi, cái sợ hãi giống như một đứa trẻ bị tía má xách roi rượt vào đường cùng, đang run rẩy chờ những lằn roi giáng xuống. Bất chợt, vị sư trừng mắt nhìn cô, nghiêm giọng:
- Quì xuống lễ Phật.
Cô Hai lắc đầu nguầy nguậy, lạc giọng:
- Sợ... không quì... sợ lắm... không quì đâu.
- Con sao vậy Hai? Đừng làm má sợ nghen con. Nghe lời sư ông, quì xuống lạy Phật đi rồi má dẫn con về.
- Bà... bà ác lắm! Bà ác lắm... bà muốn đuổi tui đi, bà muốn đuổi tui đi phải không. - Giọng cô Hai the thé.
- Quì xuống lạy Phật đi con. Đừng vậy mà.
Sư ông bước đến trước mặt cô Hai, một tay bắt ấn, một tay đặt lên đỉnh đầu, nhìn thẳng vào mắt cô, giọng nghiêm khắc:
- Quì xuống lễ Phật.
Bàn tay sư ông như thể cục tạ ngàn cân, cô Hai quị mạnh xuống sàn đánh bốp.
- Chấp tay lại.
- Không... không... không... ông tránh ra... tránh ra... - hai bàn tay của cô Hai đan vào nhau, vặn vẹo, uốn éo như thể cô đang bị ép làm điều gì rất ghê gớm - không... không lạy... sợ... sợ lắm - cô Hai bật khóc nức nở như đứa trẻ bị đòn roi.
Sư ông bước đến bàn thờ, cầm chung nước nhỏ đã được ngâm sẵn đóa hoa vạn thọ. Sư vừa niệm kinh vừa cầm nhánh bông rải nước lên đầu cô Hai, rồi tay phải bắt ấn, tay trái đặt ngón trỏ lên đỉnh đầu cô, miệng lầm rầm. Dứt hồi kinh, sư cất tiếng:
- Âm dương không thể chung đường. Đừng phá hại người hiền lương. Sao không về đây nương nhờ cửa Phật, mà lại đeo bám làm khổ người trần? Quay đầu là bờ, qui y là ngõ sáng. Có nghe rõ không?
Cô Hai đang uốn éo, bỗng thở dài đánh thượt như trút gánh nặng ngàn cân trên ngực, lưng áo ướt đẫm mồ hôi.
Bà Bảy vội bước tới đỡ con gái tựa vào lòng, rồi chấp hai tay của cô Hai cho cô lễ Phật. Trước khi về, sư ông trao cho cô Hai mấy quyển kinh, dặn về nhà phải siêng năng tụng niệm. Cô Hai trở lại thành cô Hai Oanh như thường khi, lễ phép chào sư trụ trì ra về. Hai mẹ con ngồi xe lôi thong thả về nhà, trên tay cô Hai vẫn cầm khư khư những quyển kinh văn sư ông trao.
Đến nhà, cô Hai vừa bước qua bậc cửa, bà vú em chưa kịp rót ly nước mang lại, cô Hai đã đổi tướng đi. Hai chân khuỳnh khuỳnh, mặt mày nhăn nhó, hai tay đan lại cứng ngắt, thõng dài xuống đỡ mấy quyển kinh trên tay, khệ nệ như thể khiêng tạ sắt nặng mấy trăm kí-lô-gram. Nặng nề đi hơn mười bước vào tới bàn khách, cô Hai quăng chồng sách xuống bàn cái bốp, đưa tay quệt mồ hôi, chắc lưỡi:
- Thiệt tình hà, cái quỉ này nặng muốn chết mà bắt người ta khiêng vậy đó.
Trưa hôm đó trở về sau, cô Hai dứt hẳn việc thay đồ rồi thoa son đánh phấn, nhưng tính tình thì còn chút nắng chút mưa. Bà Bảy hễ nhác thấy cô Hai đổi sắc lập tức lấy quyển kinh ngồi kế bên tụng niệm, bắt cô Hai niệm theo. Dần dà cô Hai khỏe hẳn, trở lại cô Hai Oanh yêu kiều của thị xã ngày nào. Đám công tử lại được dịp chiều chiều rập rờn như bướm vườn hoa trước nhà ông Bảy. Cô Hai hồi phục, sắc đẹp dường như tỏa sáng bội phần, ông bà Bảy càng thêm cưng chìu hết mực. Gấm vóc lụa là mua cho cô không kể xiết, nét đẹp cô Hai Oanh càng rạng ngời như trăng rằm mười sáu.
Hè bước chân đến thị xã bằng những bước mềm, lặng lẽ. Chỉ mới đêm qua thôi, thế mà sáng giật mình tỉnh dậy, những cô cậu tuổi thanh thiếu niên đã ngơ ngẩn bởi hoa phượng đỏ rực, như ngọn lửa bùng cháy nơi góc sân trường. Tiếng ve râm ran khuấy động buổi trưa hè yên ả. Nhân dịp này, cô Hai Oanh xin phép ba mẹ về quê ở với ngoại chơi dài ngày. Ông Bảy gật đầu:
- Ờ. Bây về chơi với ngoại non tháng rồi lên. Dịp hè này hàng đặt nhiều, nhà cửa chộn rộn, ra vào chỉ vướng tay vướng chân.
Cô Hai Oanh ríu rít bên chân ngoại như đàn gà con quấn vào cánh mẹ để đi tìm mồi. Ngoại đi đâu cô bước liền theo đó. Ngoại thấy cháu cưng về ở lâu ngày, ngoại vui mừng lắm. Dặn dò đám nhỏ hái sẵn mấy buồng dừa, rọng* sẵn mấy con cua để ngoại ngơi tay thì giã ra, lọc lấy thịt nấu nồi riêu cua với mồng tơi cho cháu cưng ăn mát dạ. Hay sai mấy thằng nhóc ra quăng lưới kiếm mới tép về rang khô, khoai mỡ rửa sạch, cắt đôi lấy muỗng cạo nhuyễn nấu nồi canh. Hai món đó ăn kèm dưa mắm thật ngon nhất trần đời.
Cô Hai về quê ngay mùa sầu riêng. Phía sau nhà là vườn sầu riêng đang mùa rộ, ngoại trồng để kiếm chút đỉnh tiền trầu cau. Nhà kế bên thì có vườn chôm chôm xanh mướt đang mùa trĩu quả. Những chùm chôm chôm kĩu kịt giăng khắp cây như những ngọn đèn con con đỏ rạng rỡ. Ngoại giữ kĩ lắm, dù sầu riêng rụng về đêm, nhưng ngoại không bao giờ cho cô bén mảng ra vườn vào ban ngày. Nói rủi, năm xui tháng hạn điều gì mà không thể xảy ra? Cô Hai chỉ được đi lòng vòng ở vườn nhãn và khúc ao cá. Ngay chỗ cái ao, có hai cây dừa mọc sẵn thiệt ngộ, như biết cô Hai thích ngồi võng nên cả hai cây đều mọc xiên xiên ra phía mặt nước, khúc trên gốc cây một đoạn thì nghiêng thoai thoải tạo mắc để cột hai đầu võng vào ngồi đong đưa. Tụi con nít ở dưới quê mến tay mến chân cô Hai lắm, chúng hái mấy trái ổi, mấy trái cóc vừa chín tới, ăn chua chua ngọt ngọt, giòn giòn thanh thanh mát rượi cuống họng. Chiều chiều, cô Hai ngồi đong đưa ở trên võng, nghe hoàng hôn nhẹ nhàng đáp xuống miền quê thanh bình, thấp thoáng ẩn hiện trong màu khói lam chiều và phảng phất trong mùi rơm rạ đốt cháy cuối vụ lúa Hè Thu. Tiếng cải lương à ơi đâu đây càng tô đậm nét sông nước miền Tây Nam Bộ. Từ bữa cô Hai về tới giờ, mới dăm bữa chứ nhiêu, mà chạng vạng đâu sáu giờ chiều, là có tiếng hò văng vẳng ngay khúc sông gần nhà, giọng anh nào hò mà ngọt hơn mía lùi:
"Hò ơiiiiiiii.... Đưa tay anh ngắt cọng ngò..... Thương em đứt ruột.... thương em đứt ruột.... giả đò ngó lơ..... hò ơiiiii...."
Mới đầu cô Hai không để ý, cứ nghĩ mấy chị chàng trêu chọc nhau. Ngờ đâu, ngày nào cũng như ngày nấy, đều đều giờ đó, hễ cô Hai ra mé sông hóng gió là tiếng hò lại cất lên, có lúc thì:
"Hò ơiiiii..... Sông quê nước chảy đôi bờ.... Để anh chín dại.... để anh chín dại.... mười khờ thương emmmmm..... hò.... ơiiii...."
Mấy bà chị lớn trong nhà bấm tay nhau cười. Lọt đâu nữa, chắc anh nào bị cô Hai hớp hồn rồi đây. Bị chọc ghẹo, cô Hai Oanh đỏ mặt, bẽn lẽn cười: "Không có đâu. Em làm gì được vậy!"
Ở thị xã thì trai lượn Cub rập rờn, ở miền quê thì thanh niên chống xuồng ba lá dập dìu đếm mỏi cả mắt. Mỗi lần ngoại cần gì, chưa kịp sai tụi nhỏ ra chợ phiên mua, thì đã có anh xách tới nơi gởi ngoại ăn lấy thảo. Nói gởi ngoại cho nghe phần lịch sự, chứ biết tỏng mấy chàng dòm ngó tới ai.
Thời gian qua nhiều việc xảy ra, cô Hai Oanh quên mất cái người gặp nạn nơi khúc sông ngày nào. Cô Hai cũng nào biết, chỉ vài ngày nữa thôi là tròn năm kể từ lúc cô gặp người con gái bạc mệnh đó. Trời xui đất khiến, cô Hai về quê ngay giỗ đầu tiên của cô ta, mà cứ vài ngày cô Hai lại đi dạo gần khúc sông ngày trước. Âu, cũng là ý trời.
Bữa nay có gánh hát về nhóm ở gần chợ. Cô Hai nài nỉ ngoại cho đi coi với anh chị trong nhà. Ngoại thì sao quên được việc xui xẻo ngày trước của cô, nên cương quyết không cho đi. Nhìn anh chị tíu tít rủ nhau chống xuồng đi coi tuồng, cô Hai buồn lắm. Ở nhà lủi thủi không biết làm gì, cô đành lên sập nằm ngủ sớm với ngoại. Đêm rằm, trăng sáng vằng vặc, soi tỏ cả mảnh sân. Cái lu hứng nước mưa để kế cái bộ ngựa trước nhà loang lổ ánh trăng, cái gáo dừa gắn cây dài dài làm gáo múc nước úp trên mặt lu phản chiếu xuống nền gạch tàu hình ảnh móp méo, kì quái. Bất giác cô Hai rờn rợn trong người. Hình ảnh đêm trăng ngày nào với bóng người con gái ngồi xỏa tóc bên hiên nhà ào tới, đổ đầy tâm trí cô. Gió thổi tàu lá dừa lay xào xạc, tiếng sầu riêng chín rụng lộp bộp sau vườn nhà, tất cả quyện vào ánh trăng mờ tỏ đang hắt vào thềm tạo thành nỗi sợ hãi không tên. Cô Hai nhắm mắt, cố dỗ giấc. Bên cạnh, ngoại đã thở đều, chứng tỏ đang ngủ mê. Cô Hai nhắm ghì mắt, đánh chết cũng không dám mở ra. Chẳng bao lâu sau, cô Hai chìm vào giấc ngủ khi nào không hay.
Mơ mơ màng màng, cô Hai thấy mình đang ngồi trên bộ ngựa kê trước sân, trời khuya lắm rồi. Tiếng dế kê te te ngay góc cột bị mọt ở gian nhà giữa. Cô Hai nhìn quanh, trăng đêm nay đẹp quá. Tròn vành vạnh, sáng tới mức xunh quanh có vầng lan tỏa. Ông trăng lơ lửng ngay đầu ngọn cây dừa, kiêu kì nép trong mấy tàu lá, y như trái bong bóng của con nít bị treo trên đầu cái cây con con.. Gió thanh thanh mang theo mùi hoa lục bình. Tiếng bộ ngựa kêu cót két, cô Hai giật mình đánh thót, quay qua nhìn nơi phát ra tiếng động thì hú hồn thấy có người con gái ngồi bên đã tự lúc nào mà cô không biết, đâu có nghe tiếng chân đi đứng gì đâu. Cô Hai sợ điếng người, toan bật dậy bước đi, thì người con gái đưa tay chặn lại:
- Qua chờ em lâu lắm rồi, em vô tình với qua vậy sao?
Cô Hai nghe câu đó, tự dưng thấy nao nao trong dạ, như thể quen người này đã từ lâu lắm. Còn cảm nhận rõ nỗi nhớ mong, chờ đợi của người ta suốt thời gian qua. Vậy đó, nên cô Hai ngồi im re, chẳng mải mai nhúc nhích cục cựa. Hồi sau, cô Hai Oanh nhẹ nhàng lên tiếng:
- Em đâu có biết chị là ai?
- Em quên qua được. Chứ sao qua quên được em. Cả năm rồi, qua cứ ở đây chờ em quay lại. Đi hổng có đành.
- Em...
- Em đừng có sợ. Qua không có hại em đâu. Qua biết em với qua không cùng chung một cõi. Nhưng cái bữa mà em đứng gần qua, rồi em sợ em định nhảy đi chỗ khác, qua buồn mà hổng biết sao cho em hiểu nên máu mới trào ra. Em đừng sợ!
- Em... em không sợ. Nhưng, nhưng... chị không nhát em thiệt chứ?
- Qua đợi em cả năm nay. Em không hiểu lòng qua nữa sao em?
Cô Hai chưa kịp trả lời, chợt nghe bên tai tiếng kêu tên cô gấp gáp:
- Con Hai, dậy, dậy con, dậy đi. Thấy cái gì mà ú ớ hoài vậy? Dậy con!
Cô Hai từ từ mở mắt, ngoại đang nhìn cô lo lắng. Tay ngoại đang lay người cô thật mạnh.
- Dạ... gì vậy ngoại?
- Bây mớ cái gì mà ú ớ cả đêm vậy?
- Dạ, con không nhớ nữa. Con làm ngoại giật mình hả ngoại?
- Mẹ cha bây, ú ú ớ ớ, tao tưởng bị bệnh hoạn gì không hà. Thôi, bây ngủ thêm miếng đi, năm giờ mấy sáng rồi, ngoại tập thể dục chút rồi nấu nồi cơm cho con ăn.
- Dạ.
Cô Hai nằm trằn trọc, vừa rồi, rõ ràng cô nói dối. Giấc mơ còn hiện rõ mồn một trong trí cô. Nó thật lắm, không hề có vẻ gì là mơ. Cô Hai lăn qua lăn lại, không tài nào ngủ tiếp. Sao tự dưng cô nghĩ: "Hay là khi nãy cái vía của mình nó...? Phải cái vía nó đi tùm lum mới thấy thật như vậy, chứ nằm mơ sao mà kì ghê ta?"
Những đêm sau nữa, cô Hai không còn mơ thấy giấc mơ đó, dù hàng đêm cô đều nghĩ về nó trước khi ngủ. Một phần vì tò mò, một phần vì lòng dạ cô mắc gì cứ nghĩ về người con gái trong mơ. Sợ thì hết sợ lâu rồi, cả năm trôi qua rồi còn đâu, mà cô Hai cũng đâu bị hù dọa hay nhát nhứ gì nữa. Cô Hai nhớ như in từng lời, từng câu người đó nói trong giấc mơ. Cái giọng nói buồn buồn làm cô Hai thấy lòng mình nó sao sao.
Thắm thoát, cô Hai ở miền thanh bình này đã tròn con trăng. Trăng ở miền quê bao giờ cũng lãng mạn hơn miệt thị xã, cô Hai nghĩ thế, vì nó thơ mộng hơn khi nép mình sao những tán lá cây. Hình ảnh đó làm cô Hai liên tưởng đến tập truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh. Ánh trăng loang loáng, rách rưới soi xuống thềm nhà đầy vẻ ma mị. Đêm nay, cô Hai Oanh chìm vào giấc ngủ mau hơn mọi ngày.
Rồi cô Hai thấy mình bước đi, từng bước khe khẽ ra tới mé sông. Bóng trăng in trên mặt sông đen bóng, cứ mấp mô theo làn sóng mỗi khi gió thổi qua. Lạ thay, cô Hai không hề thấy sợ. Cô Hai đứng tựa vào gốc cây dừa mọc bên bờ sông, mắt đăm chiêu nhìn xa vắng. Tiếng cá quẫy đuôi dưới ánh trăng lay động con nước nghe tanh tách. Người con gái đó lại đến trong im ắng, nhẹ nhàng hơn cánh bướm đậu trên hoa.
- Qua nhớ em lắm! Qua chờ em cả tháng nay. Em tới, qua mừng ghê luôn.
- Tại sao chị lại nhớ em? - cô Hai không nhìn, mắt cứ dõi theo bóng trăng trên sông.
- Qua cũng hổng biết. Qua cứ lo em sợ qua, rồi em né. Chắc qua không đi được luôn đó em ơi.
- Em không sợ. Chị có hại gì em đâu mà em phải sợ.
- Ngồi xuống đây với qua. Ngồi xuống đi em.
Lời người con gái hình như chứa ma lực, cô Hai Oanh làm theo không chút thắc mắc. Ngồi bên cạnh cô ta, cô Hai Oanh vẫn chưa đủ can đảm quay qua nhìn cho rõ. Nhưng cô Hai Oanh nhận ra bộ đồ trên người cô ta mặc, chính là bộ đồ ngày cô Hai cầm bó nhang xá lia xá lịa khi thấy máu trào ra từ mũi, miệng xác người xấu số.
- Em sợ qua phải không? Em hổng dám nhìn qua, qua biết mà.
- Đâu có! - cô Hai Oanh nhìn lẹ qua, lỡ có gì còn né kịp. Cô Hai ngạc nhiên vô cùng. Không một nét gì đáng sợ, gương mặt thiếu nữ thanh tú tuổi chừng đôi mươi, mắt to môi đỏ, mái tóc huyền đen mượt đậm nét thôn quê, nhưng hơi lai nét người Tàu.
- Qua đâu có dám nhát em làm em sợ. Em hết sợ chưa? Ngồi xích lại gần qua đi, em ngồi xa, qua buồn lắm!
Cô Hai khẽ khàng xích lại gần chút xíu. Cô Hai không sợ, không sợ miếng nào hết. Chỉ thấy trong lòng kì kì, nó vui vui mà nó buồn buồn, nó nữa muốn gần người này, mà nữa muốn bỏ chạy thật nhanh.
- Qua biết, em mong qua cả tháng trời. Mà... hai mình chỉ gặp nhau khi bóng trăng soi rõ mặt thềm nhà thôi em à. Qua đợi cả tháng nay, mong em, nhớ em dữ lắm.
- Vậy, mỗi tháng mình gặp nhau một lần thôi hen? - bất chợt cô Hai thấy bối rối và thẹn thùng, nói xong câu đó mà hai má ửng đỏ hết trơn.
- Hai lần chứ em. Trăng sáng được hai đêm. Hai đêm đó qua được gặp em. Qua mừng lắm, em biết không?
- Mà... sao mình mới gặp nhau... chị lại nhớ em, chờ em, kì ghê hen?
- Duyên của hai mình đó em. Nó tréo ngoe hà. Nhưng lỡ dính rồi, qua cũng hổng biết sao. Ông trời bày chi cảnh trái ngang. Em hổng từ chối, qua mừng hết lớn vậy đó. Ngồi bên em vầy, bị đày đi đâu qua cũng chịu hết trơn đó.
- Nếu em muốn gởi đồ cho chị, em gởi sao?
- Nhà qua ở làng bên. Em nhờ thằng nhỏ dẫn qua đó, em đi ban ngày nghen, đi chiều tối bị té như qua, qua đau lòng chết thêm lần nữa. Em qua làng bên em hỏi nhà nào có cô con gái chết đuối, là nhà qua.
- Em biết rồi. Chị vẫn mặc bộ đồ ngày em gặp chị.
- Chèn ơi, em nhớ rõ vậy sao? Qua đợi em ở góc sông này, ngày này qua ngày khác, qua hổng dám đi đâu. Người nhà cúng kiến gì qua cũng không dám về, sợ em tới rồi qua bỏ lỡ cơ hội gặp em.
- Em... - nỗi lòng cô Hai Oanh lay động như sóng trên sông khuya.
- Qua... qua sắp xa em nữa rồi. Đêm mai mới được gặp lại. Em có gởi đồ cho qua, thì cái nào qua cũng thích hết á. Em tự tay lựa là qua vừa cái bụng lắm.
Câu nói của cô gái vừa dứt, tiếng gà báo canh năm đánh thức cả nhà. Cô Hai cũng giật mình thức dậy, quay vào trong vách tường, mường tượng lại cơn mơ đêm qua. Ăn cơm sáng xong, cô Hai đánh tiếng với ngoại, nhắc ngoại nhớ cái vụ cô gặp năm ngoái, rồi xin ngoại mua ít đồ qua thắp nén nhang. Ngoại lần lữa mãi mới gật đầu. Ngoại sai chị Sáu chống xuồng đưa cô Hai ra chợ, tự tay cô Hai lựa những bông huệ trắng đẹp nhất, những trái cam to tròn nhất, rồi ghé hàng vàng mã, cô lựa hết mấy đồ nhìn ưng ý nhất trong cửa hàng, rồi nhờ chị Sáu chèo qua làng bên mà hỏi thăm.
Nắng lên chưa lưng ngọn sào, cô Hai đã tìm được nhà người con gái. Quả nhiên cô Hai đoán trúng phóc, nhà người Hoa. Cô Hai gật đầu chào người lớn trong nhà, thưa chuyện cho họ biết. Cô Hai nói hai người là bạn của nhau, lâu ngày không gặp, nay nghe tin thì đến viếng. Cô Hai tự tay sắp bông với trái cây lên bàn, đem đồ vàng mã ra sân ngồi đốt, vừa đốt vừa khấn:
- Chị nhận đồ em gởi nghen. Vừa bụng thì nói em biết, em gởi thêm.
Tối, mấy chị em trong nhà xúm xít ăn trái cây trước hiên. Cô Hai thẩn thờ, thần trí để đâu đâu, bất chợt cô buột miệng định hỏi gì đó, nhưng ngưng lại kịp lúc. Trăng mới nhú, thấp lè tè. Cô Hai ngồi nhìn trăng chầm chậm leo lên ngọn cây, mà sao thấy thời gian trôi chậm hết sức. Nó ngộ ở chỗ, ai mà như cô Hai, chắc sợ thấy ông thấy cha, rước thầy về cúng không kịp. Còn cô Hai nhà này lại mong ngóng từng đêm để gặp người ở hai bờ âm dương cách biệt. Tuổi non dại, chỉ biết làm theo cảm tính, cô Hai dễ gì biết đang rước họa vào người.
Nằm mơ, cũng góc sông đó, người con gái đó cũng đến trong lặng lẽ. Lần này, vừa thấy bóng hình, cô Hai mừng rỡ ra mặt. Người đó đang mặc bộ đồ bà ba chấm bi hồi sáng cô lựa, chân mang guốc mộc, nhìn mặn mòi nét chân quê.
- Qua thích mấy bộ đồ này ghê. Em thiệt là khéo.
- Chị thích là được rồi. Để em sắm thêm cho chị có mà thay.
Đêm đó, hai người ngồi lặng lẽ bên nhau. Tiếng cóc nhái vang vang, không gian im ắng. Tự dưng hôm nay cả hai kiệm lời, không nói được tiếng nào hết ráo.
- Đêm nay nữa, rồi qua phải đợi cả tháng mới được gặp em. Qua chỉ biết nhìn em ngày ngày, mà hổng biết nói sao cho em biết là qua nhớ em dữ lắm.
- Thôi, đừng buồn nghen. Chị nói vậy là em hiểu rồi. Vầy đi hen, lỡ mà có nhớ em đó, chị biết làm con bươm bướm hông?
- Ờ, được.
- Lỡ mà có nhớ em đó, cho em thấy con bươm bướm nghen. Được hông?
- Vậy được đó. Qua mà nhớ em, qua cho em thấy con bươm bướm hén. Qua đậu trên tay em, là em biết đó.
- Ừ, hứa đó nhen.
- Qua hứa. Xa cả tháng, hổng biết tháng sau em còn về đây hông. Em hông về, chắc... chắc qua vất vưởng hoài.
- Em cũng... mà coi bộ hổng có cách nào để chị đi chung với em hả?
- Cũng có. Nhưng qua sợ...
- Chị bên cạnh em là được thấy em mỗi ngày, đúng chưa?
- Vậy mai em qua nhà qua lần nữa, em cầm theo cây dù. Em thắp cho qua ba nén nhang rồi gọi: "Chị đi theo em!", em bước ra hiên, mở cây dù lên, qua núp theo bóng em. Về tới nhà em sụp cái dù xuống, khi em về trển em mang theo là qua theo em được rồi.
- Được rồi. Mai em làm.
- Em nè. Qua... qua nắm tay em chút được hông? Xa cả tháng, người ta nhớ lắm.
Tim cô Hai đập bùm bùm, mèn đét ơi, lần đầu tiên trong đời có người bạo dạn mở miệng xin phép nắm tay. Sao má cô nóng ran vậy nè? Cô Hai luống cuống, lọng cọng bứt nát nhúm cỏ mọc kế bên.
- Em còn sợ qua hả?
- Không... không có.
- Vậy... cho qua nắm tay em chút đi. Chút thôi hà, qua hổng dám nắm lâu đâu.
- Nè, chút thôi đó nghen. Nắm lâu tui giận à.
Mặt cô Hai đỏ hồng dưới ánh trăng khuya. Cô Hai bẽn lẽn cúi gầm mặt nhìn hai đầu gối, tim nhảy đủ nhịp như cá mới bị bắt lên bờ. Người con gái dùng hai tay xiết bàn tay cô thật chặc, mân mê những ngón tay búp măng thon hồng.
- Tay em mềm quá hà. Hổng như tay qua, dạo trước làm công việc riết mà tay nó cứng đơ hết trơn vậy đó.
Cô Hai ngồi chết trân, cứng đơ cả người. Cảm giác dễ chịu khi bàn tay được mân mê lan tới cả gót chân. Tim cô Hai còn lì lợm đập loạn xà ngầu.
- Thôi, nắm chi nắm hoài vậy. Nói nắm chút mà níu tay người ta hoài, giận à nghen.
- Xa em một tháng lận. Tới một tháng lận đó, qua mới được nắm lại bàn tay này. Em giận qua chi tội nghiệp qua lắm em ơi.
- Người ta... người ta...
- Em cho qua nắm thêm chút nữa thôi nghen. Chút nữa mình xa nhau rồi, qua hổng có được nắm nữa. Thương qua với!
- Nắm đi, rồi mai mốt nắm tay người khác, cũng nói y chang vậy. Sao tui biết?
- Em nói vậy tội cho qua. Qua đợi em hàng tháng hàng năm. Em hông hiểu lòng qua sao em?
- Thôi. Hiểu rồi. Nắm tay tui thôi đó, tui cho nắm đó, tui hổng giận đâu.
- Qua thương em lắm. Đợi mòn đợi mỏi cả năm trời, mới được nói. Qua mà hổng nói cho em biết được, qua hổng thèm đi đầu thai. Đợi tới khi nào em hiểu lòng qua thì thôi.
- Nói nghe ghê quá hà. Hiểu rồi nè, nói thì nhớ đó nghen. Tui đợi, tui đợi mỗi tháng tới thăm tui đó. Hổng tới là tui giận luôn cho coi.
- Còn chút xíu nữa xa em rồi. Qua buồn đứt ruột.
- Thôi. Đừng buồn. Tui mang theo lên thị xã với tui. Mỗi tháng gặp hai lần là được rồi. Gặp nhiều rồi sao tui ăn học nữa chứ?
Tay cô Hai nằm im re trong lòng bàn tay người con gái đó, hổng nhúc nhích gì hết, mặc kệ người ta mân mê. Bóng trăng chênh chếch, cô Hai nhìn trăng rồi thì thầm:
- Ngày nào trăng còn sáng, là còn thương tui đó nghen. Quên là tui hận hết đời tui luôn.
- Qua thề. Qua thề ngày nào trăng còn sáng, qua còn thương em. Qua thương em nhiều như cái nước sông Tiền, sông Hậu, em hiểu lòng qua hông em?
- Hiểu. Người ta hiểu rồi.
Mắt cô Hai cứ dán chặt vào dòng sông khuya. Nghĩ tới cảnh xa người con gái này cả tháng trời, lòng cô Hai bùi ngùi. Tự dưng người đó xiết tay cô thật chặt, rồi giọng rưng rưng:
- Thôi. Tới giờ qua xa em rồi. Em dìa trển nhớ mang qua theo. Nhớ nghen! Qua thương em lắm.
- Ừ. Tui nhớ rồi! Tui đợi, tui đợi đó. Đừng có quên đến thăm tui nghe chưa?
Câu nói vừa dứt, cô Hai choàng tỉnh ngơ ngác nhìn xung quanh. Con gà trống vừa dứt tiếng báo canh năm. Ngoại dậy sớm đang thổi lửa nấu bữa sáng. Cô Hai thấy hụt hẫng lắm, lòng nao nao buồn chuyện không đâu vào đâu. Nỗi buồn kì lạ như đang xa vắng người thương.
Đợi ngoại làm đồ ăn xong, cô Hai lại thưa chuyện, xin phép ngoại cho qua nhà người con gái đó lần nữa để thắp nhang rồi mai cô Hai về lại thị xã. Lúc đi, cô Hai giả vờ than trời nắng để cầm theo cây dù. Trong giấc mơ, người kia dặn sao, cô Hai làm y chang. Khi về, cô Hai cầm khư khư cây dù bên mình, sợ vuột tay rớt xuống sông. Người ta chết đuối đã thảm lắm rồi, rớt sông uống nước thêm lần nữa hồn phách nào chịu cho nổi. Lúc quẹo ôm theo bãi bồi, tự dưng gió thổi ù ù, sóng đánh mạnh hai bên mạn xuồng, cô Hai hoảng vía ôm luôn cây dù vào lòng, lấy hai chân kẹp sát đeo, cán dù tựa vào ngực. Nó mà văng xuống sông, coi mòi cô Hai cũng nhảy theo nó quá. Ai nhìn thấy mà biết chuyện, thể nào cũng được phen cười bể bụng. Kẹp sát vậy sao con người ta đi đầu thai.
Sáng hôm sau tài xế đánh xe xuống rước, cô Hai sụt sùi ôm ngoại không nỡ bước đi. Một tháng mấy ở đây đủ làm cô Hai quyến luyến dữ lắm. Ngoại rưng rưng đưa bàn tay nhăn nheo xoa lưng cô, biểu:
- Bây rảnh thì về chơi với ngoại. Mày đi rồi, ngoại buồn dữ ta ơi! Có thèm gì thì kêu thằng cha mày cho người về lấy, nghe chưa? Thêm vài hôm, sầu riêng chín rồi ngoại gởi lên cho con với mấy đứa.
Cô Hai lên xe, ngoáy đầu nhìn lại. Dáng ngoại lưng cong, lọm khọm đi vào nhà khiến cô Hai buồn đứt ruột đứt gan.
Qua đợt hàng, nhà cửa bớt chộn rộn, công việc dãn ra nên tụi người làm trong nhà rảnh rỗi túm tụm ngồi tán dóc. Thấy cô Hai, ai cũng bật dậy chạy ra đón. Ông bà Bảy đang ngồi uống trà, thấy con gái cưng về tới, vội kêu bà vú em gọt trái cây mang lên cho cô Hai ăn đỡ khát.
- Thưa ba má con mới về.
- Ờ. Về dưới vui không con? Ngoại mày khỏe hen?
- Thưa ba, ngoại khỏe. Ngoại gởi lời nhắn ba má có rảnh về thăm ngoại ít hôm. Ngoại có gởi thêm giỏ trái cây cho cả nhà.
- Thiệt tình hà. Sao má hông để ăn, dư thì bán kiếm mớ tiền trầu cau, trên đây có thiếu gì đâu mà chi cho cực vậy.
- Dạ, ngoại nói má thích chôm chôm, nên gởi nhiều chút. Ngoại còn dặn vài bữa ba cho chú Trí đánh xe xuống lấy mấy trái sầu riêng. Đang vào mùa nên sầu riêng chín nhiều lắm, ngoại gởi cho mấy đứa em.
- Ờ, ba biết rồi. Chậc, con gái cưng của tui về rồi đó nghen. Nghỉ bớt mệt, chiều nay mày với con Ba quánh đờn vài bản cho tao nghe. Tao với má mày nhớ gần chết.
- Dạ.
- Cây dù gì đây Hai? Mắc gì cầm hoài vậy, đưa con Huệ nó cất cho.
Cô Hai giật mình lắc đầu lia lịa:
- Dạ, cây dù ngoại cho con, để con lên đây có đi đâu thì che. Con tự dẹp được rồi. Con xin phép ba má lên lầu thay đồ.
- Ờ, má có may thêm cho mày mấy bộ bà ba, để trong tủ đó. Tắm rửa rồi mặc vào xuống má coi coi đẹp hôn. Về quê chi mà đen quá vậy nè?
- Dạ.
Cô Hai vội đi nhanh lên lầu, cất cây dù vào góc kín trong tủ sách. Sợ để ngoài hớ hênh, ai không biết đem đi mất, chắc lòng cô Hai tan nát.
Chải xong mái tóc, đang cầm cây son định thoa, thì có con bướm to ở nóc tủ chấp chới bay xuống, đậu lên ngón út tay cô Hai. Hai cánh nó chấp chới, còn mấy cái chân nhỏ xíu cứ nhúc nhích nhẹ nhẹ. Cô Hai thấy con bướm thì mừng rỡ ra mặt, nhìn bốn phía không có ai, cô Hai thì thầm:
- Vậy nhớ tui đó phải hông?
Hai cái cánh con bướm bỗng dưng đập lia lịa như muốn nói: "Ừ, qua nhớ em lắm! Nhớ ghê nơi!"
- Thôi, tui xuống nhà thưa chuyện với ba má. Núp đi đâu đi, người ta thấy người ta quơ tay cái là nát bét, hết về thăm tui giờ.
Con bươm bướm đập cánh thêm mấy cái rồi bay ra ngoài cửa sổ, cô Hai dõi mắt ngó theo, chưa chi đã không thấy tăm hơi.
Cô Hai về được hai ngày. Sau bữa cơm chiều, ông Bảy gọi cô lại nói chuyện:
- Hôm trước chú Sáu Giáo ổng gặp ba, cái thằng con của ổng coi vậy mà lớn bộn. Ba thấy nó cũng được, có ăn học, chịu khó làm ăn. Chú Sáu với ba trước giờ tình thân như thủ túc, giờ ổng muốn hai đứa về chung nhà. Ý bây sao?
- Dạ, ba hỏi thì con cũng thưa thật lòng. Con vẫn chưa có ý với ai, nhưng cũng không muốn sống cảnh chim lồng cá chậu nơi nhà người khác. Ba thư thư cho con vài năm nữa, con thương ai thật lòng thì con thưa cho ba mẹ, con không dám dấu diếm chi đâu.
- Thì ba hỏi coi ý con sao, chứ có ép uổng gì đâu mà bây nói vậy. Cho con ăn học mười mấy năm nay, là con cũng biết cái tư tưởng của ba nó không có phong kiến. Thôi, không ưng thì thôi, ba lựa lời nói chú Sáu. Chỗ thâm tình ổng cũng hiểu mà. Tại thấy hai bên nhà thân thiết, con về làm dâu nhà đó chắc chắn không cực khổ gì hết.
Không biết đàn ông đàn ang với nhau bàn chuyện ra sao, mà ông Sáu Giáo khăng khăng phải cưới bằng được cô Hai Oanh cho thằng con mình. Ông Sáu nói thằng con ổng tương tư cô Hai đến sanh bệnh, cứ ra ngẩn vào ngơ. Cô Hai không ưng, ông Bảy cũng thương con không ép. Kẹt nỗi, ông Sáu Giáo là bạn làm ăn, và là chỗ thâm tình giao hữu hàng mấy chục năm. Giờ từ chối thì mất tình nghĩa anh em, mà gật đầu thì khác nào ép duyên con gái. Ông Bảy rầu trong bụng hết sức. Hai bên cứ dùng dằng với nhau cả tháng trời. Ai ngờ, ông Sáu ổng chơi xấu, ổng nói ông Bảy không gã con gái thì ổng cắt mối làm ăn, không giao phụ liệu gì ráo nữa. Ông Bảy rối bời, trước giờ nguyên liệu làm rượu ông chỉ lấy của ông Sáu, mối mang nên giá cả cũng rẻ hơn đôi chút, mà ông Sáu lại là trùm mấy cái vụ này ở thị xã mới ghê chứ.
Cô Hai nhìn ba rầu rĩ, trong lòng cũng không an. Mà biết làm sao giờ? Cô Hai không thương không yêu thì sao mà lấy về chung chăn chung gối? Đành rằng cô Hai biết "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó", "áo mặc thì sao qua khỏi đầu". Nhưng ông Bảy thương cô lắm nên mới không ép uổng đường duyên phận, thành ra cô Hai gật đầu cũng không được, mà không gật đầu cũng không xong. Một bên chữ Hiếu, một bên là cả đời con gái, bến đục bến trong bến gì cô Hai cũng không muốn tấp vào. Lỡ đâu nó toàn rong rêu thì thôi rồi một kiếp hồng nhan.
Cả nữa tháng nay, cô Hai cứ trông đứng trông ngồi. Kể từ bữa con bươm bướm đậu trên tay, nó quay lại thêm hai lần nữa rồi đi đâu mất tiêu. Cô Hai mong đến da diết. Trước khi ngủ, cô cứ nhớ hoài về mấy cái hình ảnh trong mơ. Nhớ gương mặt người con gái hiền hiền, giọng nói chơn chớt mà đậm đà tình cảm, nghe tới đâu nó xao xuyến trong lòng tới đó. Còn nữa chứ, người gì đâu bạo dạn thấy ghê luôn, mới gặp nhau hai lần là đòi nắm tay người ta. Mèn ơi, giữ kĩ cả hai chục năm nay, mới mở miệng xin có câu là cho nắm tay liền vậy đó.
"Nắm tay tui chi rồi giờ đi mất biệt. Tui giận luôn cho coi!" - cô Hai trằn trọc, lăn qua lăn lại trên chiếc chiếu hoa đến nữa đêm mới chìm vào giấc ngủ.
Chưa quá 10 giờ sáng, ông Sáu Giáo ghé nhà. Cô Hai đang chơi với cậu Út trên gác lửng, thấy ông Sáu bước vô, trong lòng lo lắng. Quả nhiên không ngoài linh cảm của cô Hai, người lớn nói chuyện với nhau chưa cạn bình trà, ông Sáu đã đùng đùng đứng lên, nói lớn:
- Tui nghĩ tình nên mới muốn kết làm sui gia. Đủ rồi nghen anh Bảy. Anh không đồng ý, thì không mần ăn chung gì nữa. Tui về!
Ông Sáu xách cây ba-toong, dộng lọc cọc dăm cái mới chịu hằn học bỏ đi. Ông Bảy chắc lưỡi thở dài, tay vò vò trán suy nghĩ. Cô Hai thương ba mà rơi nước mắt. Đưa cậu Út cho bà vú em, cô Hai dặn đừng ai làm phiền rồi bỏ lên phòng đọc sách. Chốt cửa cẩn thận, cô Hai tỉ mẩn cầm cây dù nâng niu trong tay, nước mắt tuôn rơi:
- Đi cái đi luôn hà, người ta khổ quá rồi nè có biết hông? Không về với tui, tui đi lấy chồng cho mà coi. Lúc đó đừng có kiếm tui rồi than với thở nghen.
Phòng đóng kín cửa, xung quanh không khe hở, mà từ đâu con bướm chấp chới bay xuống, đậu trên chiếc nhẫn kim cương. Cô Hai phủi mạnh tay, nó hoảng hồn đập cánh lia chia, rồi đáp lên vai. Hai cánh nó cứ rung khe khẽ, như thể đang muốn an ủi trăm lời mà nói không thành câu.
- Chịu về rồi đó hả? Bỏ tui đi miết cả hai tuần nay. Biết tui thương rồi nên đâu cần tui nữa. Sao hông đi luôn đi để mai này tui gả về nhà bển cho nhẹ lòng.
Con bướm đung đưa hai chân trước, lượn một vòng quanh người cô Hai rồi khuất sau cánh cửa tủ. Cô Hai vội chạy tới kiếm, lục nát cái tủ cũng không thấy đâu. Cô Hai rầu trong dạ lắm mà không biết tỏ cùng ai. Người thương thì kiếm miết không ra, người không thương thì lãng vãng mỗi ngày như oan hồn đeo bám. Đang rối bời bời không biết cách gỡ, chiều đó thằng người làm nhà ông Sáu hoảng hồn chạy lại báo tin:
- Thưa ông... thưa ông... ông chủ con cho mời ông đến nhà gấp. Ông dẫn theo cô Hai Oanh luôn. Ông gấp dùm con, không ông chủ la con chết.
Ông Bảy không hiểu đầu đuôi gì ráo, nhưng cũng vội vội vàng vàng đội cái nón, chống cây ba-toong, kêu cô Hai lên chiếc Vespa. Hai tía con gấp gấp chạy lên chợ Long Châu. Chân chống xe dựng cái cạch, chưa kịp bước qua cửa nhà, ông Bảy và cô Hai đã nghe tiếng thằng con ông Sáu la bài hải:
- Cô Hai Oanh... cô Hai Oanh... kêu cô Hai Oanh lại đây.
Nhác thấy ông Bảy, ông Sáu lập cập đẩy cửa bước ra:
- Anh Bảy. Anh rộng lòng bỏ qua chuyện ban sáng. Cho con Hai vào gặp nó chút, tụi tui làm sao nó cũng la làng đòi gặp con Oanh. Khổ quá anh Bảy ơi.
Cô Hai nghe tiếng la hét dữ tợn, mặt mày xanh mét núp sau lưng ba, ngập ngừng không dám vào nhà. Ông Sáu mặt mày thảm não, lay lay tay cô Hai:
- Con thương dùm chú Sáu. Vào cho nó nhìn cái nghen con. Hổng có gì đâu, cho nó nhìn cái rồi con dìa cũng được.
Cô Hai bản chất nhân ái. Nhìn người đàn ông đáng tuổi cha chú mà năn nỉ khổ sở, cô động lòng rồi gật đầu:
- Dạ, để con vào.
Cô Hai đặt chân qua ngạch cửa, cả người đánh thót. Người thanh niên trước mặt cô mắt long lên sòng sọc, đầu tóc rối bù, đang múa may điên cuồng. Nghe tiếng động, người đó quay qua nhìn. Cặp mắt bỗng dưng dịu xuống, cặp chân mày dãn ra, ngưng việc múa máy tay chân. Cô Hai chưa kịp cất tiếng, ông Sáu với ông Bảy núp sau cửa ngó vào.
- Đi! Đi! Đi ra chỗ khác.
Tiếng thét bất thình lình khiến tim cô Hai muốn rớt ra ngoài. Hai ông già thấy vậy nên rụt đầu đi mất tiêu, nỗi sợ của cô Hai càng nhân lên bội phần.
- Cô Hai Oanh. Cô Hai Oanh tới chơi. Cô Hai vào nhà ngồi, tui sai tụi nó rót trà cô Hai uống - giọng người này khác hẳn, nghe ngọt như đương phèn.
Cô Hai Oanh chưng hửng, khép nép tới ngồi lên bộ tràng kỷ. Anh này chui tọt vào đâu, tới lúc quay ra đầu tóc láng o, bóng lưỡng. Con ruồi nào xui xẻo đậu lên đó bảo đảm té lọi giò.
- Tui tới rồi. Anh có gì nói đi, hông nói tui về, ba tui đợi tui ngoài kia.
- Qua nè. Qua nhớ em lắm! - giọng người con trai eo éo.
- Hả?
- Tại cái thằng này nó đòi cưới em, qua ghét nên qua phá nó nãy giờ. Em yên tâm đi, qua hổng có bỏ em đâu mà em lo. Bữa hổm nhìn em khóc, rồi em buồn em trách, qua rầu đứt ruột.
- Chịu về rồi đó sao? Tưởng bỏ tui đi luôn rồi chớ.
- Em thông cảm cho qua. Âm dương đôi đường, nhiều khi qua nhớ em tha thiết mà qua hổng về được. Còn hai ngày nữa trăng tròn rồi qua tới thăm em nghen. Đừng trách qua nữa! Em trách một lời, y như dao nó cứa lòng qua một nhát, đau dữ lắm. Thương qua đi em!
- Ờ. Tui hổng trách móc gì đâu. Giờ tính sao với cái ông này? Làm ổng điên điên khùng khùng, tội người ta.
- Cho nó chết nó luôn. Nó đòi cưới em của qua, qua có đày xuống địa ngục cũng ám nó không cho nó yên.
- Thôi thôi. Bậy bạ không hà.
- Em... cho... cho qua nắm tay em cái nghen. Nhớ quá em ơi!
- Chèn ơi, nam nữ thọ thọ bất tương thân. Tui con gái nhà lành, tự dưng cho con trai nắm tay, còn duyên dùng gì nữa. Ráng đi, hai ngày nữa rồi tui cho nắm.
- Ờ, qua cắn răng cắn lợi chờ. Tới lúc qua đi rồi. Em yên tâm đi, thằng này nó hổng cưới em được đâu. Em gả vào nhà nó, là nó chết nó với qua. Chờ qua nghen em. Hai ngày nữa qua về!
- Ừ, đi đi. Tui chờ mà!
Từ bữa đó, ông Sáu Giáo không những không đòi chuyện mần sui mà còn dễ chịu ra mặt với ông Bảy trong việc mua bán. Lý do ra sao chỉ có cô Hai Oanh là hiểu rõ.
Hai ngày sau, trăng nhu nhú, thấp thoáng sau mấy tán lá dừa ở bên Đất Thánh Tây. Cô Hai than mệt, muốn đi nằm sớm. Bữa nay có mình cô ngủ ở gác lửng. Hôm qua ông Bảy cho người rinh cái bộ ngựa khảm xà cừ lên tầng một, đặt trước cửa phòng ông bà. Số là cậu Út bệnh, nữa đêm lỡ quấy khóc bà Bảy chạy ra dỗ cho nhanh.
Cô Hai vói tay mở cái đèn cà na ở góc cầu thang để làm đèn ngủ, chải sơ mái tóc rồi lên giường, buông mùng, đắp chăn ngang bụng. Cô Hai nào có buồn ngủ gì đâu, mắc gì ngồi dưới nhà mà bụng dạ trông ngóng, cứ thắc thỏm không yên. Thôi thì lên giường nằm cho rồi, trước sau gì cũng ngủ, ngủ trước chút cũng không chết thằng Tây nào.
Mơ màng, cô Hai đi từng bước lên lầu một, rồi lên lầu thượng. Ngày thường trên lầu thượng có hai lớp cửa, cửa sắt và cửa cây. Đóng xong lớp cửa cây rồi kéo cửa sắt ngang qua, bóp thêm ổ khóa. Chìa khóa được bà Bảy cất, hôm nào đánh bài trên đó hai cái cửa mới mở ra đón gió lùa vào. Muốn mở được cái cửa sắt ban đêm là cả vấn đề. Kéo nhẹ chút xíu tiếng động đủ đánh thức cả nhà, nhất là giữa đêm khuya thanh vắng. Cô Hai bước từng bước mà lòng nơm nớp lo ngại. Dè đâu, lên tới nơi, hai lớp cửa đã mở sẵn chờ cô bước ra khoảng sân ngập tràn bóng trăng. Trăng đêm rằm lúc nào cũng đẹp. Màu bàng bạc nhuốm đầy không gian, thấm ướt bờ vai thon thả, chảy dọc theo mái tóc nhung huyền của cô Hai.
Bước ra sân, người con gái ấy đã đứng đợi từ bao giờ. Người đó đứng tựa vào lan-can, mái tóc bay bay.
- Qua đợi em nãy giờ.
- Em...
- Xa em cả tháng trời dài đăng đẳng, tim qua héo hon hết trơn hết trọi hà.
- Người ta cũng gầy mòn rồi nè. Nhớ tui còn dòm tui được, chứ tui nhớ mấy người, tui biết dòm ở đâu? Cả tháng mà ghé qua tui có ba bốn bận. Tui buồn dữ lắm, có biết hông?
- Qua biết. Qua biết hết đó chứ. Đau cái dạ lắm, mà nói em nghe hổng có được.
- Có muốn ăn gì hông? Mai tui mua.
- Thấy em là đủ rồi. Em có thương, thì mỗi bữa ăn em gọi qua về ăn chung, qua cũng nhìn cũng ngửi thôi chứ có ăn được miếng nào đâu em.
- Ờ. Mà nè, mai mốt về với tui nhiều nhiều chút nữa được hông? Hổng có công bằng với tui miếng nào. Tui nhớ quá mà hổng biết làm sao.
- Trong nhà em có miếng bùa của ông thầy. Hôm trước qua nhém chút bị dính, hết đi đầu thai đó em. Nên qua đâu dám đi bậy bạ. Thôi nè, em biết qua nhớ em là được rồi. Qua thề, ngày nào mà qua hổng nhớ em, sét đánh cho qua khỏi siêu sinh.
- Ý chết! Thề chi mà độc vậy. Người ta đau lòng lắm, biết hông?
- Biết. Biết em thương qua nhiều. Cho... cho qua nắm tay em cái nghen.
- Nắm ít ít thôi đó. Nắm nhiều mòn tay tui rồi sao?
- Mòn tay em thì qua lấy tim mình ra đắp lại.
- Có trái tim hà, làm như nhiều lắm vậy đó. Chút xíu cái đòi lấy tim ra đền. Nè, nắm đi, nắm nhẹ nhẹ thôi. Như lần trước ôm tay tui cứng ngắt, tui về tui nhớ bạo tàn, tui muốn quên mà quên hổng được là kì lắm đó nghen.
- Chèn ơi, mà thôi, qua biết rồi.
Cả hai ngồi trên bậc tam cấp, ngẩng đầu ngắm trăng. Khi nãy vừa lên tới nơi, bóng trăng đã lấp liếm bậc thềm. Loay hoay chút xíu mà giờ đây cả thềm đã mượt mà màu trăng sáng.