21 năm, tôi lớn lên bên sự ảnh hưởng của 5 người phụ nữ, 5 con người mà cả cuộc đời này tôi sẽ không thể quên.
Trước hết là bà ngoại tôi, một người phụ nữ mà cả cuộc đời không có những giây phút cho riêng mình. Tôi lớn lên bên bà, sống bên các câu chuyện ngày xưa của bà, quanh quẩn trong bếp với bà, … cái thế giới chỉ có tôi và bà. Bà tôi luôn chỉ biết sống để hi sinh cho con cho cháu, đời bà là những chuỗi dài của sóng gió. Người mà bà lấy làm chồng là do sự sắp xếp của cụ và chồng bà chính là nguyên nhân khiến bà luôn đau khổ. Bà hận sự ruồng bỏ của người chồng bạc bẽo, kẻ chỉ biết sống an nhàn riêng mình rồi bỏ mặc bà với 3 đứa con gái cùng đứa con trai riêng của ông lại Hà Nội … ông vào Sài Gòn, hòa mình vào lối sống ăn chơi đàm đúm, rượu chè trai gái. Ngày ông bỏ bà đi, bà vẫn còn trẻ lắm, mà ở cái tuổi đó thì người ta dư sức đi bước nữa nhưng bà tôi lại quyết định ở vậy dù bao đám tới ướm. Tôi hay hỏi sao ngày đó bà không đồng ý cưới người ta thì bà tôi nói: “ bà hận đàn ông vì đàn ông luôn đểu giả” và bà cũng không muốn đi bước nữa vì nghĩ tới ba cô con gái của mình. Và cứ thế, bà tôi quần quật nuôi nấng bốn đứa con mà chẳng có phút nào nghỉ ngơi cho riêng mình. Ngay miếng ăn miếng mặc, cứ cái gì tốt nhất, đẹp nhất bà có là lại dành cho con cho cháu, bà thà chỉ ăn cơm trắng hay ít gắp đi để nhìn thấy con cháu ăn ngon lành. Ngay khi các con gái đã trưởng thành, bà cũng chưa từng an nhàn, bà cứ thế luôn tay luôn chân hết lo phụ các con buôn bán, đưa đón các cháu, cơm nước chợ búa … bà như muốn ôm hết mọi việc vào người. Chưa bao giờ bà dừng suy nghĩ, tính toán lo cho các con các cháu, ngay cả khi bà sắp mất, bà cũng dặn dò kỹ lưỡng về từng đứa cháu. Bà lo cho chuyện hôn sự của cháu gái lớn, bà lo thằng Sìn vì tính nó quá cộc cằn, bà lo thằng Hiếu vì nó quá ích kỷ, bà thương con Tố Uyên vì nó hiền lành lại bị bố nó ghét rồi đánh, bà lo bà ko còn thì ai chăm sóc con Linh và bà lo cho tôi. Bà mất năm tôi thi đại học, tới lúc cuối bà vẫn dặn mẹ tôi để cho tôi thi đại học ở Sài Gòn vì bà biết tôi luôn ao ước như thế từ thưở bé … giờ thì tôi không còn bà ở bên nữa, không còn người bà luôn cổ vũ tôi.
Ngưới thứ hai ảnh hưởng tới tôi là một người cô. Cô chẳng có chút quan hệ máu mủ với tôi nhưng tôi chưa bao giờ coi cô là “người ngoài” trong cái thế giới nhỏ bé của mình. Cô ở bên tôi từ cái ngày tôi mới có mấy tháng tuổi, nhà cô ngay cạnh nhà tôi. Trong cái khuôn viên nhỏ bé đó chỉ có 2 gia đình là gia đình tôi và gia đình cô, chung 1 cái sân với dàn nho xanh mướt che phủ, chung một cái cổng gỗ đơn sơ, chung 1 đoạn đường duy nhất đi qua cái bể nước tập thể của cả khu … 2 gia đình hoàn toàn biệt lập với cả khu. Mẹ tôi kể, hồi tôi mới mấy tháng tuổi, mẹ tôi thì đi làm ở cơ quan nhà nước, bố tôi thì làm ngay trong học viện nên bố cứ chạy qua học viện rồi chạy về nhà để chăm tôi, những lúc bố phải vào làm việc thì bố nhờ ông bà nội chăm tôi. Nhưng cũng buồn cười lắm, ruột thịt mà đôi khi người ta không thích nhau, không ưa con dâu nên cũng không đứa cháu nội. Một buổi trưa, tôi ở nhà với ông bà nội, ông bà để tôi đứng trong cũi đặt ngoài sân nắng, ngay dưới dàn dâu còn ông bà ở trong nhà … lúc đó gia đình ông Đạo bà Toan về ( hàng xóm nhà tôi) , thấy tôi đứng khóc ngoài sân nên bế tôi vào nhà. Rồi từ đó, cả nhà ông bà thay phiên nhau chăm sóc tôi phụ bố mẹ tôi. Và cô, con gái lớn của ông bà cô chăm sóc tôi từ đó. Tôi thích cô và yêu cô nhiều lắm. Cô hiền lành, dịu dàng, vui tính, cô có giọng kể chuyện rất hay và để ru tôi ngủ cô thường ngâm Kiều cho tôi nghe. Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố cô ( ông Đạo) là giáo viên dạy toán cấp 3, mẹ cô ( bà Toan) thì dạy mẫu giáo và cô là giáo viên dạy toán cấp 2. Cả gia đình cô luôn nề nếp và nhẹ nhàng … có lẽ tôi may mắn khi tuổi thơ lớn lên bên gia đình cô. Có ông Đạo dạy tôi tập đọc, có lần ông mất cả buổi chiều để giúp tôi đọc được chữ R, có bà Toan dạy tôi nề nếp, phép tắc của một người lịch sự một người Tràng An … và cô , cô dạy tôi sự nhẹ nhàng, sự yêu thương và cô như thay mẹ tôi, bên tôi và luôn nghe mọi tâm sự của tôi. Khi lớn hơn, cấp 1, cấp 2 cứ nghỉ hè nếu không phải vào Sài Gòn với bác thì tôi sẽ sống với cô … đó là những chiều cùng cô lặt rau, hai cô cháu làm cua, làm rau câu, làm caramen … Trong mắt tôi, cô biết làm mọi món bánh, mọi món mứt , cô rất khéo léo và đảm đang, … cô hoàn mĩ với hình ảnh một thiếu nữ Hà Thành. Ngay tới tận bây giờ, khi đã 21 tuổi, tôi vẫn ngả đầu vào lòng cô nhắm mắt lại và cảm nhận sự thanh thản và dịu dàng … cô vẫn giữ thói quan vuốt tóc tôi và hỏi tôi thật nhiều, 2 cô cháu có thể ngồi và nói rất nhiều, nói quên thời gian. Cô giờ dù đã lập gia đình, có em Lâm Anh, nhưng tôi biết cô vẫn coi tôi là một đứa trẻ đặc biệt, đứa trẻ mà cô luôn quan tâm suốt gần 21 năm qua.
Hai người phụ nữ khác, nếu nói là ảnh hưởng thì không hẳn nhưng lại là người tôi yêu rất nhiều, kính trọng rất nhiều. Đó là Bác cả và chị tôi. Bác sống ở Sài Gòn, và mỗi năm tôi chỉ có thể gặp bác và chị 1 lần đó là vào nghỉ hè. Bác tôi vốn là một người phụ nữ khéo léo và rất giỏi chăm sóc trẻ con và chị tôi cũng rất yêu lũ em – chúng tôi. Mỗi khi có sự hiện diện của bác của chị, hầu như tôi có thể làm những điều mà chưa bào giờ tôi dám khi ở cùng mẹ. Trong con mắt của một đứa trẻ sống mà giữ khoảng cách với mẹ mình, thì người như bác và chị không phải là quá tuyệt vời sao … và tôi yêu họ, yêu cách bác sống thoải mái, yêu cách bác chăm lo cho anh chị tôi, … và tôi luôn ao ước tại sao mẹ tôi không được như vậy, không dịu dàng như bác, không tâm lý như bác, không khen ngợi tôi như bác… tại sao mẹ tôi không phải là bác. Và tôi chỉ ước ao, được vào Sài Gòn sống với bác. Mỗi lần chia tay bác và chị, tôi đều khóc, khóc rất nhiều vì khi ở bên bác luôn là một trong những khoảng thời gian tuyệt vời và hạnh phúc nhất của tôi. Nhưng giờ, dù có chuyện gì thay đổi, có bao nghi toan, có bao hiểu lầm, dù không thể đối diện … thì tôi biết tôi vẫn yêu bác và chị, thứ tình yêu mà tôi hun đúc, nuôi nấng từ khi còn bé xíu, một tình yêu như thế thì chẳng thể nào dễ dàng đổi thay hay biến mất…
Mẹ tôi! Nếu như những đứa trẻ khác lớn lên và trong lòng rất yêu thương và thích xà vào lòng mẹ thì tôi chẳng rõ từ khi nào tôi không thật sự dám tới gần mẹ. Mẹ tôi vốn là một người rất nóng tính, tuổi thơ tôi có ngày nào là không bị mẹ đánh đâu và với đầu óc của một đứa trẻ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mẹ tôi rất “ác”. Tôi sợ mẹ, sợ làm sai mọi thứ, vì khi làm sai sẽ bị mẹ đánh. Tôi chẳng thể nào nhớ nổi mẹ đánh tôi bao nhiêu trận vì mỗi lần ăn đòn đều có kết quả là bà ngoại phải bóp muối để làm tan máu bầm cho tôi. Rồi tôi dần xa mẹ, chưa bao giờ tôi có thể kể một chuyện gì xung quanh cuộc sống hàng ngày của tôi cho mẹ hay là tâm sự với mẹ. Nếu có gì có thể kể cho mẹ thì chỉ có thể là một việc nào đó tôi đã hoàn thành xuất sắc … và mẹ thì chẳng bao giờ khen mà thay vào đó đơn giản là mẹ nói tôi may mắn hay câu mà mẹ hay nói: “ Chó ngáp phải ruồi”. Tôi chẳng hiểu nổi, khi những người mẹ khác luôn khen ngợi con mình trước mặt người khác, họ tự hào về con họ thì mẹ tôi luôn chê tôi trước mặt người khác. .. Cứ thế, tôi ngày một lớn lên và ngày càng xa mẹ … tôi muốn được ở một nơi cách xa thật xa với mẹ và tôi muốn được vào Sài Gòn. Nhưng … có lẽ trong mắt của một đứa trẻ thì mọi thứ đều chỉ phiến diện mà thôi, … trưởng thành trong sự nghiêm khắc của mẹ có thể nói tôi là một đứa trẻ ngoan vì luôn răm rắp trong mọi sự sắp xếp. Nếu mẹ nói việc nấu cơm và đón em là của con, thì nghĩa là ngày nào cũng thế, mẹ về nhà là phải có cơm và em đã được tắm rửa; nếu mẹ nói hôm nay con phải dọn bếp, thì nghĩa là khi mẹ về tới nhà thì bếp phải được dọn xong … chỉ cần một chút ko hài lòng thì mẹ sẽ mắng, sẽ nói suốt, sẽ đay nghiến … và để có thể sống trong bình yên thì phải tìm cách thích nghi và đủ tinh quái mà lách qua những nguy hiểm rình rập.
Nhưng chỉ khi thật sự xa mẹ, khi đã lớn … tôi mới hiểu được nỗi lòng của mẹ. Chưa bao giờ mẹ không yêu tôi, chưa bao giờ mẹ ghét tôi … và tôi hiểu mẹ nghiêm khắc với tôi vì mẹ sợ, mẹ lo tôi sẽ không ngoan ngoãn không trưởng thành và giỏi giang. Mẹ chưa bao giờ khen tôi vì mẹ luôn muốn tôi cố gắng hơn nữa, mẹ đánh tôi và mẹ cũng đau như tôi đau vậy nhưng mẹ vẫn đánh vì mẹ muốn tôi sẽ ngoan ngoãn và thôi cái tính ngang bướng. Mẹ không gần gũi tâm sự với tôi vì mẹ không phải là một người giỏi ăn nói, mẹ tôi khá ít nói, trầm và rất kém khi thể hiện tình cảm. Từ khi tôi đi học xa, đi xa khỏi mẹ, tôi mới hiểu hơn bao giờ hết là tôi yêu mẹ tới thế nào và mẹ cũng dần thay đổi. Nhưng tôi chỉ thật sự cảm nhận được sự yêu thương và chia sẻ của mẹ sau khi bị tổn thương bởi những sự hoa mỹ và đẹp đẽ của thế giới ngoài kia. Và chỉ mẹ, người nuôi nấng dạy dỗ tôi mới hiểu tôi thực sự là người như thế nào và tin tưởng tôi cũng như tin vào chính cách mẹ nuôi nấng dạy dỗ tôi.
Lần đầu tiên sau gần 20 năm tôi được nghe mẹ nói tôi hãy tâm sự với mẹ, hãy chia sẻ với mẹ, khóc với mẹ … và mẹ nói rằng mẹ luôn tự hào thật nhiều vì tôi. Mẹ kể với tôi từng điều về tôi khiến mẹ hạnh phúc và tự hào … Và tôi hiểu rằng chưa bao giờ mẹ ngừng dõi theo tôi, yêu thương tôi và bảo vệ tôi.
Cảm ơn cuộc sống vì đã đưa đến bên tôi những người phụ nữ tuyệt vời, những con người dù ít hay nhiều là giúp tạo nên tôi với một cá tính đặc biệt, một kẻ không giống ai với hai tâm hồn trái ngược dung hòa trong một.